TP.HCM nỗ lực kiểm soát, thu gom và tái chế rác thải

Cùng với quá trình phát triển đô thị hóa, công nghiệp hóa, chất lượng môi trường là một trong những vấn đề trọng tâm luôn được TP.HCM tích cực triển khai, torng đó ưu tiên triển khai các giải pháp thu gom, tái chế rác thải, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ môi trường.

Thay đổi ý thức của mỗi người dân

Theo ước tính, mỗi ngày TP.HCM thải ra hơn 9.000 tấn rác sinh hoạt (chưa kể rác công nghiệp) và tăng thêm 10% mỗi năm. Trong số đó, mỗi ngày có khoảng 30 tấn  ny lon các loại được sử dụng tại các chợ, trung tâm thương mại và siêu thị, chưa kể tại các hộ dân. Với khối lượng rác thải không ngừng tăng lên, TP đã triển khai hàng loạt các giải pháp, mô hình thí điểm và nhận được sự chung tay, góp sức của mỗi người dân.

Hoạt động “Tái sinh vỏ hộp sữa” diễn ra trong các trường học

Luôn có mặt ở các sự kiện bảo vệ môi trường, ngày hội tái chế rác thải, chị Ngọc Quyên (quận 12) chia sẻ: “Có rất nhiều hoạt động ý nghĩa ở các chương trình này như triển lãm trưng bày góc tái chế, làm vật dụng trang trí từ rác thải, chiếu phim môi trường, triển lãm ảnh… hoạt động nào cũng thú vị. Năm nay tôi và con gái gom vỏ hộp sữa đến đổi lấy cây xanh. Dù trời nắng nóng nhưng bà con vẫn vui vẻ, trật tự xếp hàng chờ đến lượt mình”.

Nằm trong chuỗi hoạt động bảo vệ môi trường, cuộc thi “Sức sống mới từ phế thải” do Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM phối hợp Quỹ Bảo vệ môi trường TP.HCM tổ chức cũng nhận được sự quan tâm rất lớn. “Đây là sân chơi rất bổ ích cho các em học sinh tiểu học và THCS. Qua cuộc thi, các bé có thể học được cách làm thế nào để tái chế vật dụng bỏ đi thành đồ dùng mới. Đây được xem là phương pháp giảng dạy thực tế giúp các bé nâng cao ý thức chỉ bằng những đồ dùng gần gũi với cuộc sống hàng ngày”, anh Quốc Việt (quận 5) có ý kiến.

Đa dạng các giải pháp bảo vệ môi trường

Theo Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 thì quản lý chất thải rắn phải được thực hiện theo phương thức tổng hợp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải tại nguồn. Điều này hỗ trợ cho việc tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng chất thải phải chôn lấp. Chiến lược cũng nêu rõ đến năm 2020, 85% chất thải sinh hoạt đô thị được tái sử dụng, tái chế, con số này là 90% vào năm 2050.

Các em học sinh thích thú tham gia làm túi giấy tại ngày hội tái chế

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Theo đó, Chỉ thị nêu rõ: Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật trong quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Các Bộ, ngành, địa phương chung tay quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa.

Để thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và những mục tiêu đã đề ra, TP.HCM cần đa dạng hóa các giải pháp bảo vệ môi trường, trong đó có việc tuyên truyền nâng cao nhận thức; xây dựng và thực hiện các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng ở các trường học, cộng đồng dân cư, cơ sở kinh doanh… Đồng thời, khuyến khích cộng đồng tham gia vào các hoạt động phân loại tại nguồn; giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn; hạn chế sử dụng túi ny lon, không đổ rác bừa bãi; đưa giáo dục môi trường vào các cấp học với nội dung và thời lượng phù hợp với nhận thức của từng lứa tuổi.

TP.HCM đang từng bước vận động, thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập, phát triển. Các bãi rác, con kênh ô nhiễm, dòng nước tù đọng dần dần được thay một tấm áo mới sạch hơn, đẹp hơn. Đó cũng là nhờ những quyết sách đúng đắn của cơ quan chức năng mà hơn hết chính là ý thức của mỗi người dân. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm