TP.HCM: Làm gì để giảm rác thải nhựa trên biển?

Tình trạng ô nhiễm môi trường trên biển do rác thải nhựa gây ra đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, hệ sinh vật và hệ sinh thái. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là do ý thức bảo vệ môi trường biển của người dân còn thấp. Ngoài ra, việc quản lý, thu gom và xử lý rác thải trên biển hiện nay vẫn còn hạn chế.

Vì vậy, để tăng cường công tác quản lý và ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển. Đồng thời, nâng cao ý thức người dân về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường biển, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030.

Đưa ra mục tiêu cho từng giai đoạn

Để thực hiện kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn thành phố đến năm 2030, TP.HCM đã đưa ta những mục tiêu cụ thể.

TP.HCM đặt ra nhiều mục tiêu để giảm rác thải nhựa trên biển. Ảnh: T.NHUNG

Theo đó, TP.HCM đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển; 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc vứt bỏ được thu gom; 80% các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy. Ngoài ra, TP.HCM đặt ra mục tiêu đảm bảo tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi tắm biển.

Mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM sẽ giảm 75% rác thải nhựa trên biển; 100% các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển.

Để thực hiện được mục tiêu trên, TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp cụ thể, phân công rõ trách nhiệm của từng Sở, ngành, đơn vị thực hiện.

Trang bị thùng rác trên thuyền khi ra biển

Theo ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, trong thời gian qua, huyện đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa trên biển. Trong đó, huyện tuyên truyền vận động các chủ đò, các hộ đánh bắt thủy hải sản trên địa bàn trang bị các thùng rác trên ghe, thuyền để thu gom rác sinh hoạt, đặc biệt là các chai nhựa, túi nylon.

Ngoài ra, từ năm 2019 huyện Cần Giờ đã triển khai mô hình giảm sử dụng túi nylon khó phân hủy trên địa bàn xã Thạnh An. Đồng thời, phát động phong trào giảm rác thải nhựa sử dụng một lần trên địa bàn các xã, thị trấn. Đặc biệt, tại các cuộc hội họp cơ quan nhà nước, đã không còn sử dụng chai nước suối nhựa mà thay vào đó là sử dụng bình thủy tinh, ly giấy…

“Với địa thế giáp biển, địa phương thường được nhận sự quan tâm của các tổ chức cá nhân về vấn đề bảo vệ môi trường. Vừa qua, huyện đã phối hợp với Hội thiên nhiên và Bảo vệ môi trường, Cảnh sát biển Việt Nam… tổ chức ngày hội môi trường gắn với hoạt động làm sạch biển. Bên cạnh đó, đã tổ chức một số sự kiện về môi trường do các trường đại học tổ chức trên địa bàn huyện. Mục đích của các sự kiện này nhằm tổ chức hoạt động tổng vệ sinh môi trường biển và ven biển”, ông  Trương Tiến Triển chia sẻ.

Nhằm nâng cao nhận thức và góp phần vào các chính sách công giảm thiểu ô nhiễm nhựa, Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE) phối hợp cùng Đại sứ quán Pháp đã khởi động chiến dịch truyền thông sáng tạo mới mang tên “Nhân Nhựa”, với thông điệp “Khoa học cảnh báo tương lai, hành động quyết định ngày mai”.

Chiến dịch gồm ba giai đoạn:

  • Giai đoạn I (từ ngày 30-10 đến ngày 18-11): cung cấp kiến thức xoay quanh vấn đề ô nhiễm rác nhựa trên sông Sài Gòn;
  • Giai đoạn II (từ ngày 19-11 đến ngày 27-12): cung cấp những kiến thức ô nhiễm rác thải nhựa tại Việt Nam;
  • Giai đoạn III (tháng 2-2021): khuyến khích công chúng trải nghiệm hoạt động nghiên cứu khoa học, từ đó đề ra các giải pháp hướng đến giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm