Sụt lún ở miền Tây: Sao không hành động ngay?

Ngày 17-5, UBND TP Cần Thơ làm việc với đại diện chương trình 100RC (Chương trình 100 TP có khả năng chống chịu) khu vực châu Á và họp Ban Cố vấn dự án lấy ý kiến về dự thảo chiến lược tăng cường khả năng chống chịu tại TP Cần Thơ.

Các đại biểu nghe dự thảo chiến lược tăng cường khả năng chống chịu cho TP Cần Thơ.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết, đây là lần cuối lấy ý kiến về dự thảo chiến lược khả năng chống chịu của TP Cần Thơ. Tháng 3-2018, TP đã xem xét lựa chọn bốn lĩnh vực để nghiên cứu sâu, đề ra chiến lược cho TP. Nhóm thực hiện dự án đã lấy ý kiến ban cố vấn, ý kiến cộng đồng, đến nay chiến lược khả năng chống chịu sắp hoàn thành. Dự kiến giữa tháng 6-2019 TP sẽ công bố chiến lược khả năng chống chịu của TP.

Sau khi nghe tóm tắt nội dung dự thảo chiến lược, nhiều đại biểu đã đóng góp thêm ý kiến. Ông Lưu Thanh Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ, bày tỏ: “Tôi thấy lạ là tình trạng sụt lún đã và đang tồn tại, phát triển rầm rộ cách đây 10-15 năm rồi, ai cũng la ĐBSCL sụt lún mà tại sao chiến lược của chúng ta lại đưa vào thời gian thực hiện từ năm 2025-2027, mà không thực hiện ngay từ bây giờ?”.

Ông Hùng đề nghị TP nên có hệ thống quan trắc về tình trạng sụt lún và cảnh báo ngập đường phố từ bây giờ, vì đây sẽ là cơ sở dữ liệu vô giá để làm thiết kế chống ngập, chống lụt sau này.

Ông Lưu Thanh Hùng phát biểu góp ý cho dự thảo.

Cũng theo ông Hùng, hiện nay hệ thống sông rạch ba quận nội ô giảm rất trầm trọng so với năm 1965. Đây là nguyên nhân gây ngập, đặc biệt mưa là ngập. Hệ thống cống thoát nước quá nhỏ, cống tròn thì đường kính không quá 3 m, còn cống hộp thì khoảng 6-7 m2 trở lại. Hệ thống cống này vừa nhỏ, vừa ứ đọng rác…

“Trong lần họp trước tôi có đề nghị, tại sao chúng ta không thiết kế hệ thống cống xương sống của đô thị, mặt cắt 20-30 m2, chứ làm cống nhỏ, đường kính 2-3 m không ăn thua. Báo cáo viên có nói chúng ta tiêu tốn quá nhiều chi phí, tôi nghĩ giỏi lắm hệ thống cống trục chính dài 20 km, mỗi năm chúng ta làm 1km thôi, 20 năm sau hệ thống này vẫn không lạc hậu. Chúng ta vẫn cảm thấy rằng chúng ta không có lỗi với con cháu khi TP chúng ta phát triển” – ông Hùng nêu ý kiến.

Góp ý về dự thảo, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu về biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) thì cho rằng, biểu đồ thủy văn chưa thuyết phục lắm với những người làm chuyên môn. Trung bình nhiệt độ một năm không nói lên điều gì. Biểu đồ này phải xác định lại cho khoa học hơn, thuyết phục hơn, đồng thời đưa thêm các khoảng biến động và hệ số tương quan.

PGS-TS Lê Anh Tuấn góp ý cho dự thảo tại cuộc họp.

Theo ông Tuấn, biểu đồ về sự suy giảm chiều dài kênh rạch của năm 1965 so với năm 2017 nên ghi nguồn rõ ràng. Bởi coi lại bản đồ không ảnh thì hệ thống sông rạch Cần Thơ không đến nỗi giảm nhiều như vậy. Đặc biệt sau năm 1975, TP có xây dựng rất nhiều kênh thủy lợi, tạo nhiều kênh, mương. Nên nếu nói kênh rạch giảm ở nội ô thì không nói, nhưng vùng ngoại ô như Ô Môn, Thốt Nốt không giảm… hay như số liệu về nhiễm mặn ở Cần Thơ. Mới đây nhất, Cần Thơ xuất hiện nhiễm mặn vào năm 2016 nhưng mức độ nhẹ thôi và nó xuất hiện theo quy luật 100 năm mới xuất hiện, thì không thể coi là mức độ nghiêm trọng cao…

“Lấy số liệu cảnh báo cho 100 năm gắn cho năm 2030 làm cho cảm giác sợ hãi lên. Thực tế Bộ TNMT có khuyến cáo các địa phương nên áp dụng kịch bản trung bình. Thì lúc đó, tới năm 2030, ở Cần Thơ, mực nước biển dâng cao lắm 13 cm chứ không thể nào lên tới 1m thế này. Một khi mình đưa ra số liệu không chính xác thì quyết định công trình không chính xác sẽ gây ra lãng phí” – ông Tuấn góp ý. 

Một số ý kiến góp thêm về các vấn đề như lượng phù sa về đồng bằng ngày càng ít, thì với Cần Thơ sẽ thích ứng ra sao. Nguồn năng lượng mặt trời dồi dào thì tận dụng sản xuất điện như thế nào để giảm lượng phát thải ra môi trường. Hay như nguồn nước, do đặc thù của đồng bằng sông, rạch nhiều nên nguồn nước của Cần Thơ không chỉ Cần Thơ làm được mà cần có sự liên kết các tỉnh cùng hành động…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm