Sống trong sợ hãi vì sa tặc lộng hành ở Quảng Bình

Nhiều tháng qua, người dân ven ngã ba của ba con sông Nhật Lệ, Kiến Giang và Long Đại (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) phải sống trong sợ hãi khi hằng đêm họ phải sống chung với tiếng ồn từ các loại máy hút trộm cát có công suất rất lớn trên sông. Mỗi khi các loại máy hút trộm cát này bắt đầu hoạt động, người dân chẳng thể ngủ yên vì tiếng ồn, nhà cửa rung lắc và nỗi lo bờ kè sạt lở.

Lo nhà sập, kè rớt xuống sông

Theo tìm hiểu của PV, bãi bồi này là nơi hợp lưu của ba con sông, bồi lở theo chu kỳ dòng chảy, che chắn cho người dân ở ven sông mỗi mùa lũ về. Lợi dụng giao thông thuận tiện, trữ lượng cát sạch nhiều, các đầu nậu đã tập trung máy móc, tàu thuyền liên tục hút trộm cát hằng đêm, bất chấp việc bị người dân nhiều đêm theo dõi, phản ánh với chính quyền.

Nói về đội tàu hút cát trộm hùng hậu ngay ngã ba sông này, bà NTT cho biết nhiều tháng nay có khoảng 15 tàu tham gia hút cát tại đây. Mỗi tàu có tải trọng 15 m³. Mỗi đêm các tàu này đều quay vòng vài chuyến, không mấy chốc bãi bồi nơi đây sẽ hoang tàn, bờ kè sạt lở. Thời gian các tàu hút trộm cát hoành hành đều đặn từ 23 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau. Theo bà T., mỗi lần công an xã và đoàn liên ngành rục rịch kiểm tra trên bờ sông thôn Trần Xá, các tàu này lại ngưng hút cát vài ba ngày, sau đó đâu lại vào đó. “Không biết có nội gián hay không mà cứ mỗi đợt truy quét, các tàu này đều được đánh động trước” - bà T. nói.

Theo ông NMH, một người dân sống gần ngã ba sông, trong 15 tàu hút cát thường xuyên túc trực ở đây, có một chủ tàu tên Q. sở hữu tới ba tàu hút trộm cát và ba tàu này không bỏ sót đêm nào.

Nhiều năm nay, bãi bồi ngã ba sông Nhật Lệ trở thành điểm nóng về tình trạng hút cát lậu, đến mức lô cốt bị hụt chân đổ ập xuống sông. Ảnh: AN NHIÊN

Không thể truy quét vì có nội gián?

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Trung Đông, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), cho hay ông đã nhận được tin báo của người dân phản ánh nạn khai thác cát hằng đêm khiến người dân bất an, nơm nớp lo sợ.

Ông Đông cũng cho biết huyện đã hỗ trợ kinh phí cho các xã giáp ranh ngã ba sông là Duy Ninh, Hàm Ninh và Hiền Ninh để đẩy lùi nạn sa tặc. Tuy nhiên, chỉ có xã Duy Ninh và Hiền Ninh làm quyết liệt nên nạn hút trộm cát đã giảm. Ngược lại, xã Hàm Ninh là nơi nạn hút cát trộm xảy ra nhiều nhất nhưng quản lý lơi lỏng, sa tặc càng lộng hành. Huyện cũng đã phê bình chính quyền xã Hàm Ninh làm không tới nơi, không quyết liệt, khiến các tàu thuyền hút cát dồn về khúc sông thôn Trần Xá. Đồng thời, ông Đông nhìn nhận việc điều tra kết quả đường đi của sa tặc không hiệu quả do tình trạng bến bãi tập kết phức tạp. Tuy nhiên, theo quan sát và tìm hiểu của PV, địa bàn huyện Quảng Ninh không quá rộng, tỉ lệ bến bãi tập kết cát dù nằm rải rác nhưng chỉ trong vòng bán kính 10 km, không quá khó để tìm hiểu đường đi của sa tặc. Trong đó, một số bến bãi nằm ngay các xã Duy Ninh, Hàm Ninh, Hiền Ninh, Tân Ninh, thị trấn Quán Hàu.

Về phương án sắp tới, ông Đông cho biết huyện kiến nghị tổ chức ba mũi giáp công, tấn công vào ổ hút cát. “Thời gian qua, do các đơn vị trên địa bàn tham gia diễn tập quân sự nên chưa huy động được lực lượng vào cuộc. Hằng đêm vẫn có lực lượng công an canh trên bờ nhưng sau khi công an rút đi, sa tặc ngay lập tức thả neo, bật vòi cắm suống sông hút đến rạng sáng mới rút lui” - ông Đông nói.

Trả lời PV liệu có hay không việc thông tin bị lọt ra ngoài mỗi khi đoàn liên ngành của huyện tiến hành truy quét sa tặc khiến người dân mất niềm tin vào chính quyền, ông Đông thừa nhận đó là tồn tại khiến các đợt ra quân không hiệu quả. Đồng thời, sau khi nhận được phản ánh của Pháp Luật TP.HCM, đội liên ngành đã bắt được hai tàu hút cát và đã xử phạt chủ tàu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm