Sẽ thu phí rác thải tính theo khối lượng…

Đây được xem là bộ luật lớn, khó, có nhiều cải cách đột phá, thay thế toàn diện và cơ bản so với Luật Bảo vệ môi trường 2014. Trong đó có một số nội dung liên quan đến việc thu phí rác thải sinh hoạt hộ gia đình…

Người dân còn nhiều băn khoăn

Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Trong đó, nội dung được người dân quan tâm nhất là đề xuất: Thu phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải theo hướng người gây ô nhiễm phải trả tiền, đồng thời tăng cường việc bắt buộc phải phân loại rác tại nguồn; rác thải sinh hoạt sẽ được thu gom theo khối lượng và tính phí.

Nói về vấn đề này, chị T.N (quận Thủ Đức, TP.HCM) có ý kiến: “Nếu nhà nước có chủ trương như thế thì tôi cũng rất hoan nghênh. Làm thế cũng phải thôi, nhà nào ít rác thì thu ít tiền, nhà nào nhiều rác thì thu nhiều tiền. Còn nếu thu bình quân thì có nhà ít rác nhưng trả tiền cũng bằng nhà nhiều rác, thiếu công bằng…”.

Cần sớm tuyên truyền để việc phân loại rác tại nguồn trở thành thói quen của từng người, từng nhà...

Cùng quan điểm, nhiều người dân ủng hộ quy định của Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi). Tuy nhiên, có không ít ý kiến băn khoăn là làm thế nào để tính chính xác khối lượng rác phát sinh. “Theo luật này, những nơi như kinh doanh ăn uống sẽ phát sinh nhiều rác thải sinh hoạt thì phải nộp phí cao hơn so với các hộ gia đình, tôi rất ủng hộ. Thế nhưng, một số người thường lợi dụng đêm tối chở chất thải xây dựng, chất thải cồng kềnh tới các điểm tập kết rác khi không có mặt nhân viên môi trường, như vậy thì làm sao mà thu phí được”, anh H.N (quận 12, TP.HCM) chia sẻ.

Trong khi đó, khi đặt câu hỏi về vấn đề thu phí theo khối lượng rác, anh Q.V (quận 5, TP.HCM) vẫn còn cảm thấy mơ hồ, lo ngại quy định này sẽ khó thực hiện được. “Biết rằng việc phân loại và thu phí rác thải theo khối lượng đã được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới nhưng tại Việt Nam sẽ có nhiều điều khó khi thực hiện. Bởi ở nước ta, việc phân loại rác tại nguồn vẫn chưa trở thành thói quen. Và nếu không thay đổi được điều này thì việc tính phí thu gom rác sẽ gặp nhiều khó khăn khi thực hiện”, anh Q.V nói.

Cần có giải pháp đồng bộ và sự đồng thuận

Hiện nay, lượng rác thải tại Việt Nam là khoảng 50.000 tấn/ngày, trong đó tại các đô thị là khoảng 35.000 tấn/ngày, chiếm tới hơn 90% trong số đó là rác thải sinh hoạt. Riêng tại Hà Nội và TP.HCM mỗi ngày thải ra khoảng 8.000 – 9.000 tấn, trong đó trên 80% được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp.

Phần lớn các loại rác thải không được phân loại tại nguồn gây khó khăn cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và tìm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. Mô hình xử lý rác thải đang áp dụng phát sinh nhiều bất cập, gây thất thoát tài nguyên môi trường (ví dụ các loại kim loại, nhựa, thuỷ tinh… đều có thể tái chế, tái sử dụng). Ngoài vấn đề thu phí rác thải theo khối lượng, Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) còn khuyến khích phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành 5 nhóm: chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm - chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác.

Thu phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo số lượng phát sinh là giải pháp hiện được nhiều quốc gia áp dụng và cho hiệu quả tích cực. Nói về Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi), hầu hết các chuyên gia môi trường đều cho rằng, việc thu phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải theo khối lượng là cần thiết. Việc này sẽ đảm bảo nguồn tài chính cho công tác quản lý chất thải rắn. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần phải có giải pháp đồng bộ ở các khâu, từ phân loại đến thu gom, xử lý và quan trọng nhất là sự ủng hộ của người dân. Theo đó, mỗi người dân cần thể hiện vai trò của mình và cộng đồng cùng tham gia các hoạt giảm thiểu phát sinh rác thải, thực hiện phân loại, tái chế… nhằm tận dụng tốt hơn tài nguyên, góp phần bảo vệ môi trường. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm