Sau 7 năm, ĐBSCL đối diện nguy cơ lũ lớn

Đến ngày 8-8, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại trạm Tân Châu có khả năng lên mức 3,35 m (dưới báo động 1 là 0,15 m); trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc có khả năng lên mức 2,75 m (dưới báo động 1 là 0,25 m).

Dự báo lũ tại Tân Châu có thể đạt đỉnh vào khoảng ngày 9 đến 14-8, ở mức 3,4-3,6 m. So với thông tin dự báo ở thời điểm nước lũ từ đập thủy điện bị vỡ ở Lào chưa về Việt Nam, đỉnh lũ đã tăng thêm 0,2-0,4 m.

Lũ ở ĐBSCL lên nhanh do ảnh hưởng của lũ ở thượng nguồn sông Mekong kết hợp với triều cường và phần bổ sung từ nước vỡ đập ở Lào. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ven sông, vùng ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.

Bộ NN&PTNT đang đốc thúc các địa phương nhanh chóng gia cố các bờ bao để bảo vệ diện tích lúa nội đồng, nhanh chóng thu hoạch, ưu tiên thu hoạch những diện tích bị ngập úng, có nguy cơ bị ngập.

Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Nguyễn Trường Sơn, vùng ĐBSCL đã trải qua bảy năm không có lũ lớn nên có thể khó lường hết được những tác động bất ngờ. Hiện nay, hầu hết các tỉnh ĐBSCL đã có phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn 7/19 tỉnh chưa có kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2018. Điều này dễ dẫn đến lúng túng, bị động khi gặp thiên tai nguy hiểm.

Trước tình hình mưa lũ đang diễn ra, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL chủ động thông tin đến các cấp chính quyền, người dân để có các biện pháp phòng tránh, đồng thời gấp rút rà soát, xử lý hệ thống đê bao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm