Sài Gòn âm u, do mù khô hay mù ướt?

Sáng 21-5, nhiều khu vực ở TP.HCM xuất hiện một lớp sương mù bao phủ khiến bầu trời âm u. Hiện tượng này kéo dài đến gần trưa khiến không ít người dân lo ngại nguyên nhân là do ô nhiễm không khí (hiện tượng mù khô).

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Đình Quyết, Phó Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết nguyên nhân trời âm u là do độ ẩm cao cùng rãnh áp thấp di chuyển về phía Nam.

Đến trưa 21-5, nhiều khu vực ở TP.HCM vẫn còn âm u. Ảnh: KB

Theo ông Quyết, do độ ẩm cao, tối qua (20-5), một số quận/huyện ở TP.HCM có mưa. Đây là nguyên nhân góp phần hình thành lớp sương mù ở TP.HCM.

“Hiện nay do rãnh áp thấp nối với vùng thấp phía Tây có trục ở 25-27 độ vĩ Bắc bị nén bởi bộ phận áp cao lục địa ở phía Bắc. Trên cao áp cao cận nhiệt đới tiếp tục lấn thêm về phía Tây và nâng trục dần lên phía Bắc. Rãnh áp thấp ở phía Nam có trục khoảng 4-6 độ N làm cho ẩm tăng nhanh, nhiệt ban đêm giảm. Đây là nguyên nhân hình thành lớp mù bao trùm TP.HCM làm giảm tầm nhìn ngang” - ông Quyết giải thích thêm.

Hiện tượng "mù khô" do ô nhiễm từng xuất hiện và kéo dài nhiều ngày vào đầu tháng 1-2018 ở TP.HCM. Ảnh: KB

Theo ông Quyết, hiện tượng sương mù hiện nay không đáng lo ngại về việc ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Đầu tháng 1-2018, trên địa bàn TP.HCM từng xuất hiện hiện tượng “mù khô” hay còn gọi mù quang hóa kéo dài nhiều ngày.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, hiện tượng “mù khô” ở TP.HCM có tính chất chu kỳ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm