Nước đen vây bủa, triệt đường sống người nuôi cá

Ngay sau khi UBND TP.HCM chỉ đạo nhiều sở, ngành liên quan nhanh chóng khảo sát thực tế và có các giải pháp ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn huyện Bình Chánh, sáng 16-3, PVPháp Luật TP.HCM đã đi ghi nhận thực tế tình hình ô nhiễm kênh rạch tại đây.

Không cá nào sống nổi!

Tại gần cầu Chợ Đệm, huyện Bình Chánh, PV tiếp xúc với chị Nguyễn Thị Hà, người đang định phóng sinh mớ cá rô nhưng nhìn dòng nước trên sông Chợ Đệm đen kịt nên chị đành quay về. “Tôi sống ở đây mấy chục năm rồi, chưa bao giờ thấy nước sông đen như vầy. Nước đen kiểu này thì chắc không có con cá nào sống nổi” - chị Hà bày tỏ.

Là người đã có kinh nghiệm 15 năm nuôi cá kiểng ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh nhưng trước những dòng nước đen vây bủa, ông Trịnh Văn Tân cũng đành bất lực. “Nước đen lại có hóa chất nên không cách gì có thể xử lý được. Tôi nuôi cá nên phụ thuộc chính vào nguồn nước mà nước ô nhiễm như thế thì chịu chết, hết đường rồi!” - ông Tân ngao ngán.

Ông Tân cho biết do nguồn nước ô nhiễm nghiêm trọng nên thời gian gần đây cá của ông nuôi chết liên tục, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Do không tìm được nguồn nước thay thế nên ông Tân đang tính bán hết số cá đang nuôi và sẽ bỏ luôn nghề nuôi cá. “Tôi đã phản ánh nhiều về tình trạng nguồn nước ô nhiễm nhưng thấy chẳng có chuyển biến gì. Vẫn còn các công ty xả nước ô nhiễm thì người nuôi cá không thể nào sống được” - ông Tân bày tỏ.

Do nước ô nhiễm, cá chết nhiều nên ông Tân quyết định bán hết cá, bỏ nghề. Ảnh: TRUNG THANH

Nước thải xả thẳng vào kênh rạch

Theo đại diện UBND huyện Bình Chánh, nguồn nước đen trên sông Chợ Đệm đang lan rộng từ điểm tiếp giáp với quận 8 đến kênh xáng Ngang thuộc địa bàn xã Bình Lợi và Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, làm ảnh hưởng đến hơn 1.700 hộ dân nuôi cá và trồng lúa.

Theo báo cáo của UBND huyện Bình Chánh, hiện tượng nước thải công nghiệp ô nhiễm chảy tràn vào hệ thống thoát nước mưa ở KCN Lê Minh Xuân được phát hiện hai lần trong năm 2017. Do đó UBND huyện kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở TN&MT và Ban quản lý các KCX-KCN TP tổ chức thanh tra và xử lý tình trạng này. 

Đại diện UBND huyện Bình Chánh cũng xác định ngoài nguồn ô nhiễm từ sông Chợ Đệm chảy sang, hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều nguồn nước thải công nghiệp không đạt chuẩn xả thải vào hệ thống kênh rạch, làm cho diện tích bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ô nhiễm ngày càng rộng hơn. “Cụ thể, qua kiểm tra hoạt động sản xuất công nghiệp, UBND huyện Bình Chánh đã ban hành 24 quyết định xử phạt các đơn vị xả nước thải vượt mức cho phép với số tiền hơn 372 triệu đồng” - vị cán bộ huyện cho biết.

Riêng tại Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, đoàn kiểm tra của UBND huyện Bình Chánh phát hiện có tình trạng nước công nghiệp chảy tràn vào hệ thống thoát nước mưa, sau đó đổ ra nhiều nhánh kênh. Nước ô nhiễm từ các nhánh kênh này đổ ra kênh B, kênh C rồi thông nhau với nguồn nước đen trên sông Chợ Đệm…

Ngày 16-3, khi PV Pháp Luật TP.HCM có mặt tại KCN Lê Minh Xuân thì hầu hết các dòng kênh quanh khu công nghiệp này đều có màu đen kịt. Riêng dòng kênh phía sau nhà máy xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp nước có màu nâu đỏ.

Đã xác định các nguồn thải ô nhiễm

Giải thích nguyên nhân nguồn nước đen lan rộng ở huyện Bình Chánh, ông Nguyễn Văn Đam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi thuộc Sở NN&PTNT TP.HCM, cho biết hiện nay do vào mùa khô, mực nước trên sông, kênh rạch xuống thấp nên nồng độ ô nhiễm nguồn nước mặt ở huyện Bình Chánh càng tăng lên, nhất là ở những khu vực có nguồn xả thải ô nhiễm. “Trong thời gian qua, công ty liên tục cử người đi ghi nhận thực tế và phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện Bình Chánh kiểm tra, xác định các nguồn xả thải gây ô nhiễm nguồn nước. Với thực tế hiện nay, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị các cấp liên quan để xử lý quyết liệt hơn các đơn vị vi phạm để bảo vệ nguồn nước phục vụ cho nhu cầu sản xuất của người dân” - ông Đam cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm