Ngập sâu ngày triều cường, nhiều xe chết máy

Theo ghi nhận của PV chiều 29-10, tại nhiều tuyến đường ở TP.HCM thuộc khu vực phía đông và phía nam bị ngập sâu, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại, sinh hoạt, kinh doanh của người dân.

Điển hình tại tuyến đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh), mới 16 giờ 30 triều cường đã bắt đầu dâng cao đến khoảng 60 cm. Những đoạn ngập nặng nhất là những đoạn chưa được nâng cấp mặt đường. Mặc dù dự đoán được sẽ ngập sâu, người dân lưu thông qua tuyến đường này tranh thủ về sớm nhưng cũng không tránh khỏi việc xe bị chết máy.

Chị Hồng Hoa (ngụ gần cầu Tắc Bến Rô) chia sẻ: “Nước dâng rất nhanh, chỉ trong vòng 10 phút đã lên cao hơn 70 cm. Trong vòng một tháng mà có khoảng 10 ngày ngập, đầu tháng năm ngày cuối tháng năm ngày, giữa tháng cũng ngập nhưng ít hơn. Dân ở đây thường gọi vui chỗ này là “thung lũng vàng”. Chị cho rằng nguyên nhân ngập ở đây là do hệ thống cống. “Khi triều cường lên là lúc những hố cống cứ ùn ùn phun nước lên. Hơn nữa, hệ thống mặt đường chưa được nâng cấp toàn diện” - chị nói.

Đường Phạm Hùng biến thành sông trong đợt triều cường chiều 29-10. Ảnh: T.TRINH

Triều cường gây kẹt xe trên QL50, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: HTD

Đến 17 giờ 30, ước tính đoạn đường bị ngập dài tới hơn 1 km, độ ngập ở nhiều đoạn lên tới gần 1 m. Hàng loạt con đường nhánh nhỏ nối liền với đường Phạm Hùng đều không thoát khỏi tình trạng ngập nước như đường số 1 (khu dân cư Intresco), đường số 2, đường số 6B… Ngập nặng đã khiến hàng trăm xe tại khu vực chết máy liên miên, đếm không xuể. Thậm chí nhiều ô tô, xe tải vượt vùng nước đến chỗ cạn rồ ga phun khói nghi ngút. Xe máy phải đi vào làn ô tô có diện tích mặt đường cao hơn để di chuyển qua khu vực bị ngập.

Trong khi đó, khu vực quận 7 cũng được ghi nhận ngập sâu trong chiều 29-10. Vào lúc 16 giờ 15, đường Trần Xuân Soạn đã lênh đênh nước. Nước dâng cao đến mức không còn phân biệt đâu là mặt đường, đâu là vỉa hè.

Tình trạng giao thông ùn tắc, một phần vì xe chết máy phải dẫn bộ, phần còn lại là do mọi người không dám chạy nhanh. Khi các xe có trọng tải lớn đi qua, nước tràn thẳng vào nhà dân. Đến khoảng 17 giờ, các hộ kinh doanh trên đoạn đường này phải dọn dẹp, nghỉ bán.

Bà Mỹ Duyên, người dân ở khu vực, than: “Năm nay ngập quá là ngập, nhà tôi đã nâng nền mấy lần rồi. Năm nay đã lên nền 8 tấc nhưng vẫn ngập. Xe lớn chạy tán nước cái là tràn vô nhà. Mà nhà tôi là vựa gạo, cứ mỗi lần ngập nước là ướt gạo”.

Song song đó, khu vực phía đông TP.HCM cũng ngập sâu ở nhiều tuyến đường. Khoảng 17 giờ 30 cùng ngày, tại khu vực Thảo Điền (quận 2), trên tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng nước lên nhanh, chỉ 15 phút sau đã ngập quá đầu gối.

Nhiều đoạn ngập 30-60 cm khiến việc lưu thông của các xe gặp nhiều khó khăn. Ngoài việc người đi đường cặm cụi dắt xe thì sinh hoạt, buôn bán của người dân cũng bị ảnh hưởng. Chính quyền phải dựng rào chắn để hạn chế xe ra vào đoạn đường ngập.

Tương tự, tuyến đường Lương Định Của (phía đường Mai Chí Thọ) tình trạng ngập lên đến 60 cm, nhiều ô tô chết máy giữa đường làm hỗn loạn giao thông khu vực này. Với mực nước trên, người tham gia giao thông vừa lo lắng vì tuyến đường Lương Định Của đang thi công có quá nhiều ổ gà và nay lại ngập sẽ trở thành bẫy tai nạn giao thông.

Đến hơn 20 giờ cùng ngày, triều cường ở các tuyến đường khu phía đông, phía nam TP mới rút hết, giao thông dần ổn định trở lại.

Trước đó, vào lúc 16 giờ, chính quyền địa phương ở quận 2 đã sử dụng nhiều biện pháp trước khi triều cường lên như bịt những miệng cống để ngăn tình trạng nước phun trào lên mặt đường, đồng thời cải tạo máy dầu bơm nước chống ngập đường Nguyễn Văn Hưởng. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục kéo dài ở Nam bộ

Nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục kéo dài ở Nam bộ

(PLO)- Dự báo nắng nóng vẫn tiếp diễn, sang tháng 4 và tháng 5 sẽ có những đợt nắng nóng kéo dài, diễn ra trên diện rộng cả miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ, nhiệt độ cao nhất là trên 39 độ C.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM còn 166 điểm tồn đọng rác

TP.HCM còn 166 điểm tồn đọng rác

(PLO)- Một số địa bàn vẫn còn nhiều điểm tồn đọng rác thải cần được giải quyết triệt để như TP Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, quận 12 và quận Bình Thạnh.