Lúng túng xử doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường

Ngày 10-10, Đoàn ĐBQH TP.HCM đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) trong các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), khu chế xuất (KCX) và Khu công nghệ cao trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2018.

Nhiều doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: NC

Theo báo cáo của Ban quản lý các KCX và KCN, hiện các chính sách, quy định pháp luật môi trường vẫn còn bất cập, ảnh hưởng đến thực tiễn công tác quản lý môi trường. Cụ thể, Nghị định 38/2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu nhưng đến nay chưa có thông tư quy định về quản lý, xử lý chất thải rắn thông thường, thiếu quy định về tái sử dụng các chất thải phát sinh.

Ngoài ra, ở Nghị định 155/2016 Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, có quy định xử phạt hành vi doanh nghiệp (DN) có nước thải vượt ngưỡng quy định đấu nối của Công ty Phát triển hạ tầng. Theo đó, nội dung này không phù hợp vì nước thải không thải ra môi trường và hành vi này xử lý thông qua các hợp đồng dân sự về đấu nối nước thải giữa DN và công ty phát triển hạ tầng.

Báo cáo tại buổi giám sát, đại diện UBND quận Bình Tân cũng cho biết hiện nay quận đã ghi nhận một số tồn tại, hạn chế trong quá trình phối hợp quản lý. Cụ thể, các trường hợp người dân phản ánh về môi trường đối với DN hoạt động trong các KCN trên địa bàn, theo quy định thì UBND quận không có thẩm quyền kiểm tra, xử lý trực tiếp các DN mà phải kiến nghị Sở TN&MT, ban quản lý kiểm tra, xử lý nên không kịp thời giải quyết các phản ánh của người dân.

Tại buổi giám sát, đại diện Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP.HCM) cũng đã nêu một số khó khăn trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. “Chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát môi trường là phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường. Do đó, cần phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ và tiến hành kiểm tra đột xuất để xác lập vi phạm. Tuy nhiên, cơ quan chuyên ngành lại hoạt động giờ hành chính nên rất khó khăn trong phối hợp để kiểm tra” - vị đại diện cho biết.

Phòng Cảnh sát môi trường cũng cho biết mức tiền các hành vi vi phạm theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP tương đối cao, đủ sức răn đe nhưng việc chấp hành của các cơ sở chưa nghiêm. Các quy định pháp luật còn sơ hở, chồng chéo, thiếu nhất quán đã gây khó khăn cho các cơ quan quản lý nhà nước và thực thi pháp luật.

Do đó cần tiếp tục kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đảm bảo tính minh bạch, dễ vận dụng, tránh tùy tiện, tăng tính nghiêm minh, đảm bảo điều kiện cho các cơ quan thực thi pháp luật đạt hiệu quả…

Trước những bất cập, khó khăn trên, UBND TP.HCM cũng đã có những kiến nghị, đề xuất tháo gỡ. Theo đó, UBND TP đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm điều chỉnh các nội dung liên quan đến nghị định đã ban hành hướng dẫn thi hành Luật BVMT như Nghị định 18/2015, Nghị định 38/2015.

TP cũng kiến nghị Thanh tra Chính phủ có văn bản hướng dẫn cụ thể về quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính như đình chỉ cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, đình chỉ hoạt động công đoạn sản xuất gây ô nhiễm, cưỡng chế khấu trừ tài khoản ngân hàng, ngưng cấp điện, cấp nước để đơn vị vi phạm không có điều kiện tiếp tục hoạt động gây ô nhiễm môi trường,…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm