Lo ngại 1 triệu m3 bùn, cát thải đổ xuống biển

Ngày 28-6, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Văn Thải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, nguyên Giám đốc Khu bảo tồn biển Hòn Cau, cho biết ông vô cùng bất ngờ khi nghe thông tin Bộ TN&MT đã cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được “nhấn chìm” 1 triệu m3 bùn, cát thải xuống biển Vĩnh Tân.

Điện lực Vĩnh Tân 1 phải chịu trách nhiệm

“Cách đây hai hôm, Vụ Bảo tồn, Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT đã cử đại diện vào làm việc với Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận liên quan đến dự án nhấn chìm này. Sau khi nghe ý kiến, đại diện Vụ Bảo tồn cho biết sẽ báo cáo, tham mưu cho Bộ NN&PTNT có ý kiến chính thức phản biện việc đổ bùn, cát thải xuống biển. Thế nhưng Bộ TN&MT đã cấp phép rồi” - ông Thải cho biết.

Được biết giấy phép nêu trên được Bộ TN&MT cấp ngày 23-6 do ông Nguyễn Linh Ngọc, Thứ trưởng, ký. Vật chất được phép nhấn chìm gồm cát, vỏ sò, sét, bùn trầm tích… thu từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dụng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, Bình Thuận). Khu vực biển sử dụng để nhấn chìm có diện tích 30 ha, có độ sâu lớn nhất không quá 36 m.

Giấy phép này cũng cho biết Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 phải chịu hoàn toàn trách nhiệm khi để xảy ra sự cố môi trường, tràn dầu, cháy nổ… và phải bồi thường mọi thiệt hại gây ra.

Lưu đồ vận chuyển vật liệu nạo vét cho thấy bãi đổ thải rất gần Hòn Cau. Ảnh: PN

Tập kết hai sà lan chuẩn bị đổ thải

Giấy phép này cho phép hoạt động nạo vét, nhấn chìm từ ngày ký (23-6) cho đến hết ngày 31-10-2017 và yêu cầu Viện Hải dương học thu thập thông tin, số liệu môi trường nền tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau, bãi cạn Breda, cơ sở sản xuất tôm giống… trước khi bắt đầu hoạt động nhấn chìm để làm cơ sở so sánh, đối chứng với thông tin, số liệu môi trường tại các vị trí quan trắc, giám sát khi có hoạt động nhấn chìm. Tuy nhiên, theo nguồn tin của chúng tôi, đến nay Viện Hải dương vẫn chưa đến vùng biển này lấy mẫu trong khi đến chiều 28-6, phía Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đã tập kết hai sà lan và cơ giới vận chuyển máy hút để chuẩn bị hoạt động.

Được biết vị trí đổ thải khá gần với Hòn Cau. Ông Nguyễn Văn Thế, một ngư dân ở vùng biển Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân, cho biết vị trí, tọa độ mà Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 xả bùn, cát nằm rất gần với ba rạn san hô nguyên thủy là rạn cụt, rạn tàu chi và rạn tàu mới.

Bộ NN&PTNT đã phản ứng quyết liệt

Trước đó, Bộ NN&PTNT đã phản ứng quyết liệt dự án nhấn chìm này. Bộ NN&PTNT từng có văn bản bác đề xuất của tỉnh Bình Thuận với nội dung: “Không đồng ý với chủ trương điều chỉnh giảm diện tích Khu bảo tồn biển Hòn Cau”. Bộ đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận xem xét lại đánh giá tác động môi trường của dự án này tới Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Ngoài ra, ngày 21-12-2016 Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã từng khẳng định với Pháp Luật TP.HCM: “Bộ TN&MT đang giao cho Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tập trung giải quyết đề xuất của Nhà máy điện Vĩnh Tân đổ 1,5 triệu m3 chất thải, đến nay Bộ TN&MT vẫn chưa đồng ý về việc đổ chất thải vì còn phải chờ các đánh giá tác động một cách tỉ mỉ, cẩn trọng”.

______________________________

Việc nhấn chìm mà cứ chứng minh là không ô nhiễm là không ổn. Vấn đề quan trọng phải đặt ra là chỗ nhấn chìm có những giá trị quan trọng không; giá trị đó của ngày hôm nay có ý nghĩa lâu dài cho đất nước không. Tôi khẳng định ở đây có những giá trị rất lớn. Tôi đề nghị phải thay đổi, rà soát lại các dự án ở Vĩnh Tân từ bài học Formosa.

PGS-TS NGUYỄN CHU HỒI,  khoa Môi trường, Trường ĐH KHTN, ĐH Quốc gia Hà Nội

Những hệ sinh thái rạn san hô như ở Hòn Cau là nơi dự trữ sinh học đa dạng, mang lại các giá trị kinh tế rất lớn. Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP) đã tính toán cứ mỗi km2 rạn san hô mang lại 600.000 USD lợi tức chỉ từ du lịch mỗi năm. nếu đánh mất thì chi phí khôi phục rất cao, như Maldives tiêu tốn 10 triệu USD/km bờ biển để thay thế rạn san hô bị phá hủy.

PGS-TS VÕ SĨ TUẤN, Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm