Kinh hoàng về số lượng chất thải nhựa ở TP.HCM

Ngày 23-5, Viện Khoa học Công nghệ & Quản lý Môi trường thuộc Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM và Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM đã tổ chức Hội thảo Kết nối mạng lưới tái chế nhựa.

Tại hội thảo, ông Bùi Trọng Hiếu, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM, cho biết: “Theo số liệu báo cáo của các tổ chức môi trường quốc tế thì Việt Nam là một trong những quốc gia thải chất thải nhựa ra môi trường khá lớn.

 ông Bùi Trọng Hiếu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Tại TP.HCM mỗi ngày thải ra khoảng 8.900 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, chất thải nhựa chiếm tỷ trọng khoảng 1.800 tấn gồm các loại nhựa, nilon…. Và trong 1.800 tấn chất thải nhựa này chỉ có khoảng 200 tấn được tái chế nhưng chủ yếu với công nghệ thô sơ, lạc hậu do đó phát sinh nhiều vấn đề về môi trường, khối lượng chất thải nhựa còn lại được chôn lấp cùng các loại chất thải khác…", ông Hiếu cho biết thêm.

PGS.TS Lê Hùng Anh, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ & Quản lý Môi trường thuộc Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cũng cho biết, theo thống kê, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 4 về phát thải rác thải nhựa trên thế giới. Nghiên cứu năm 2018 tại sông Sài Gòn cho thấy có 172.000- 519.000 sợi vi nhựa/m3 nước, 10-233 mảnh và màng vi nhựa/m3 nước. Có hai nguồn phát thải vi nhựa ra môi trường gồm nguồn sơ cấp do sản xuất hạt nhựa, mài mòn công nghệ, in 3D, mỹ phẩm,… nguồn thứ cấp do phân rã từ chất thải nhựa lớn do tia UV, nhiệt, sống,…

Nhiều hạt vi nhựa có trong nước ở các sông, do quần áo cũ vứt ra môi trường và từ hoạt động giặt giũ thải ra môi trường, cá ăn những chất vi nhựa này, sau đó người ăn cá và tích luỹ trong cơ thể người, PGS.TS Lê Hùng Anh cho biết thêm.

Tại hội thảo, một số báo cáo tham luận cũng được trình bày như: Hiện trạng quản lý chất thải nhựa và các giải pháp giảm thiểu tại TP.HCM; Hiện trạng sử dụng và tái chế nhựa tại Lào; Xu thế sử dụng và tái chế nhựa tại Châu Âu...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm