Khó khăn tháo dỡ lò gạch thủ công ở Quảng Ngãi

Trước đó, ngày 6-6-2018, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành công văn giao Sở Xây dựng, Sở TN&MT, công an tỉnh và các huyện phối hợp thực hiện yêu cầu các chủ lò gạch phải tháo dỡ lò gạch (gồm lò thủ công, lò thủ công cải tiến, lò đứng liên tục và lò sử dụng nguyên liệu hóa thạch - gọi tắt là lò thủ công).

Tuy nhiên, đến nay tỉnh Quảng Ngãi mới xóa bỏ được 51 lò, còn 198 lò (trong đó huyện Tư Nghĩa có 80 lò) đang hoạt động. Các lò thủ công này nằm xen lẫn trong khu dân cư, gần trường học. Khi các lò hoạt động, môi trường bị ô nhiễm làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân.

Bà Nguyễn Thị N. (thị trấn Sông Vệ, huyện Tư Nghĩa) cho hay mấy chục năm sống gần các lò gạch, gia đình bà luôn phải đối mặt với khói bụi, tiếng ồn. “Ngày nào cũng hít khói bụi, người lớn chịu còn không nổi huống gì trẻ con” - bà N. bức xúc.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trong gần một năm qua, nhiều chủ lò gạch đã không hợp tác với địa phương để tháo dỡ. Bởi đây là nghề truyền thống có từ rất lâu, là nghề mưu sinh không chỉ riêng gia đình họ mà là của hàng trăm lao động đang làm việc tại các lò.

Lò gạch vẫn hoạt động mặc dù có yêu cầu tháo dỡ của UBND tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: T.NHẬT

Ông Lê Tấn Cảnh (xã Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa), chủ một lò gạch, cho biết gia đình ông đã gắn bó với nghề làm gạch thủ công hơn 20 năm. Đây là nghề mang lại thu nhập chính, nuôi sống gia đình và hàng chục lao động đang làm việc.

“Vì lợi ích chung của xã hội, bản thân tôi sẵn sàng tháo dỡ. Tuy nhiên, những lao động đang làm việc cho gia đình tôi nay nghỉ việc họ sẽ làm gì? Tôi mong Nhà nước, các cấp có phương án tạo điều kiện, hỗ trợ cho chúng tôi trong quá trình tháo dỡ và chuyển đổi nghề nghiệp” - ông Cảnh nói.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Trung Thành, Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, thừa nhận công tác tháo dỡ các lò gạch thủ công tại huyện gặp rất nhiều khó khăn. Vướng mắc lớn nhất trong gần một năm qua là người dân không hợp tác với chính quyền địa phương. Sau thời gian tuyên truyền, vận động thì hiện nay tình hình đã khả quan hơn.

“Huyện đã thành lập đoàn công tác, tổ chức đối thoại và bàn nhiều giải pháp hỗ trợ cho người dân. Hiện nay huyện đang xin ý kiến Thường vụ Tỉnh ủy trích ngân sách để hỗ trợ tháo dỡ, dự kiến mỗi lò 7-10 triệu đồng” - ông Thành nói.

Ông Nguyễn Minh Đạo, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi, cho biết sắp tới tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương tìm giải pháp phù hợp với đặc thù từng địa phương để thực hiện việc xóa bỏ lò thủ công.

“Về việc làm, tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan hỗ trợ về đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp và tạo điều kiện cho hộ dân vay vốn từ Quỹ bảo vệ môi trường tỉnh. Đối với người lao động trong độ tuổi lao động tại các cơ sở lò thủ công, nếu có nguyện vọng học nghề sẽ được tham gia các lớp đào tạo nghề tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định của tỉnh” - ông Đạo cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm