Hạn, mặn ở miền Tây năm nay sẽ khốc liệt hơn

Trong những ngày đầu năm mới Canh Tý 2020, nhiều tỉnh ở miền Tây đã ban hành công văn hỏa tốc chỉ đạo tập trung ứng phó hạn, mặn vì nhiều diện tích đất canh tác nông nghiệp đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hạn, mặn đang diễn ra gay gắt

Cuối tháng 1-2020, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành văn bản hỏa tốc chỉ đạo ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn. Thống kê của ngành chức năng tỉnh này cho thấy tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã làm ảnh hưởng gần 16.000 ha đất canh tác, đa số là lúa - tôm. Ngoài ra còn có hơn 3.500 hộ thiếu nước sinh hoạt.

Ở tỉnh Sóc Trăng, dịp tết Nguyên đán vừa qua, nhiều hộ dân ở huyện Long Phú cùng tâm trạng buồn bã vì hàng ngàn hecta đất lúa vụ ba đang thiếu nước. Mặc dù chưa đến cao điểm mùa khô nhưng các kênh rạch ở huyện này đều khô cạn. Nhiều diện tích lúa khoảng một tháng tuổi đang bắt đầu khô cháy vì thiếu nước.

Ông Thạch Tiến, một nông dân ở xã Tân Hưng, cho biết hơn năm công đất trồng lúa vụ ba của ông đang thiếu nước trầm trọng, nền ruộng nứt nẻ, toàn bộ lúa đang chết mòn vì thiếu nước.

Canh tác gần đó, hơn 10 công lúa của ông Thạch Son cũng lâm vào tình trạng tương tự. “Ở vùng này chỉ chuyên canh cây lúa, nếu chỉ làm hai vụ/năm thì không đủ sống nên tôi mới đánh liều xuống giống lúa vụ ba hơn 10 công đất, nhưng với tình trạng này thì cầm chắc trắng tay” - ông Son than thở.

Về vấn đề trên, ông Lâm Văn Vũ, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Phú, thông tin: “Dù đã khuyến cáo không xuống giống nhưng ghi nhận trên địa bàn huyện có khoảng 3.500 ha sản xuất lúa vụ ba. Thống kê đến cuối tháng 1-2020, toàn huyện đã có gần 200 ha lúa vụ ba bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.

Nhiều nơi ở miền Tây thiếu nước dù chưa tới cao điểm mùa khô. Ảnh: CHÂU ANH

Hiểu để ứng xử cho phù hợp

Thực tế, việc mùa khô năm 2020 sẽ khắc nghiệt, gay gắt đã được các chuyên gia cảnh báo từ tháng 7-2019.

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL, cho biết trong nguyên lý về thủy văn của lưu vực Mekong thì mực nước sông Mekong của mùa lũ năm trước và hạn mặn của mùa khô năm sau có mối quan hệ chặt chẽ. Cụ thể, đỉnh lũ của năm trước và đỉnh hạn của năm tiếp theo tương quan rất chặt với nhau.

“Về lý thuyết đã có và thực tế đã chứng minh điều này là đúng, năm 2015 đỉnh lũ cực thấp thì đến mùa khô năm 2016 hạn, mặn gay gắt. Do đó, thực trạng mùa lũ năm 2019, mực nước chẳng những không lên mà còn thấp ở mức kỷ lục, điều này đã dự báo cho mùa khô năm 2020 sẽ khắc nghiệt” - ông Thiện giải thích.

Cũng theo ông Thiện, tình trạng hạn, mặn ở ĐBSCL có nguyên nhân chính là do hiện tượng El Nino diễn ra trên toàn lưu vực sông Mekong từ đầu năm 2019, kéo dài đến khoảng tháng 9. Điều này gây ra mưa thấp kỷ lục và dẫn đến tình trạng thiếu nước.

“Thủy điện thật sự không phải là nguyên nhân gây mất nước, mà chỉ làm chậm đường đi của nước, bởi lẽ sau đó thủy điện cũng sẽ xả nước, vì vậy đây không phải là nguyên nhân chính gây nên khô hạn. Nguyên nhân số một là El Nino, thủy điện chỉ là nguyên nhân thứ hai, nó chỉ làm tệ thêm tình hình khi có hạn. Đối với những năm bình thường, thủy điện chỉ làm giảm lũ nhưng sẽ tăng dòng chảy trong mùa khô làm giảm hạn, mặn” - ông Thiện phân tích.

Ông Thiện cho biết nhiều tháng trước Chính phủ cũng đã có chỉ thị triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn, mặn và các ngành đã và đang thực hiện rất tốt. Vì vậy, dù dự đoán hạn, mặn năm 2020 có thể gay gắt hơn năm 2016 nhưng có thể thiệt hại sẽ thấp hơn rất nhiều nhờ được cảnh báo sớm, cạnh đó là từ kinh nghiệm ứng phó từ năm 2016.

“Đó là ứng xử tình huống với trường hợp năm cực đoan, còn về lâu dài phải theo tư duy “thuận thiên” từ Nghị quyết 120 của Chính phủ. Đó là giảm thâm canh lúa để có không gian hấp thu lũ và chuyển dịch hệ thống canh tác ven biển để thích nghi. Nghị quyết này đề cập phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó ưu tiên số một là quá trình phát triển tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên” - ông Thiện bày tỏ.

Ông Thiện cũng cho rằng phải hiểu rõ nguyên nhân chính của hạn, mặn đồng bằng không phải là từ thủy điện. Do đó đừng đi “xin nước” như năm 2016, vì dù có lấy nước từ đây cũng không giải quyết vấn đề hạn, mặn của miền Tây.

Bến Tre: Thiên tai cấp độ hai

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre dự báo tại các khu vực cửa sông Cổ Chiên, Hàm Luông, độ mặn đo được dao động 25‰-30‰. Độ mặn 4‰ đã xâm nhập vào đất liền cách cửa sông khoảng 48-68 km; độ mặn 1‰ xâm nhập vào đất liền cách cửa sông 63-83 km. Với tình trạng trên, mặn xâm nhập ở tỉnh Bến Tre đang ở mức rủi ro thiên tai cấp độ hai.

Theo đó, UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành quyết định về tình huống khẩn cấp do mặn xâm nhập. Cụ thể, tỉnh này đã đưa vào sử dụng một số công trình ứng phó với hạn, mặn như làm cống đập ngăn mặn; hồ trữ nước ngọt Ba Tri; nhà máy nước Khu công nghiệp Giao Long (huyện Châu Thành) đã đưa vào sử dụng hệ thống công nghệ xử lý tái sử dụng nước thải công nghiệp.

Theo dự báo tiềm năng nguồn nước mùa khô của Viện Khoa học thủy lợi miền nam (Bộ NN&PTNT), nguồn nước mùa khô năm 2019-2020 về vùng ĐBSCL thấp hơn nhiều so với trung bình các năm gần đây. Dự báo lưu lượng bình quân tháng 2 có thể thấp hơn so với năm 2016. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm