Giám sát chặt môi trường nhiệt điện Quảng Trạch

Ngày 21-12, tại TP Đồng Hới (Quảng Bình), Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức Hội nghị giới thiệu công nghệ điện than và môi trường Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch.

Toàn cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết tại Việt Nam tiềm năng khai thác thủy điện không còn, tiềm năng thu xếp vốn đầu tư cho các nguồn tái tạo như mặt trời, gió, địa nhiệt còn hạn chế do chi phí rất cao. Với nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế đất nước thì nhiên liệu than vẫn là nguồn năng lượng sơ cấp quan trọng sản xuất điện năng.

PGS-TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam, nêu rõ vai trò của nhà máy nhiệt điện than trong sản xuất điện năng của thế giới và Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đang ở giai đoạn 2 về phát triển điện năng, đây là giai đoạn phát triển rất nhanh và ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế. Việt Nam đang có nhu cầu rất cao về điện năng, trung bình mỗi năm cần bổ sung 20-25 tỉ kWh (tương đương 3-4 Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1).

Theo báo cáo của Ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của EVN, Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 sử dụng công nghệ lò hơi tiên tiến trên thế giới, hiện nay là công nghệ siêu giới hạn SC (Super Critical). Với công nghệ này, nhà máy sẽ đạt hiệu suất cao, lượng phát thải CO2, SO2... thấp hơn.

Đồng thời sẽ lắp đặt các hệ thống xử lý khói thải, nước thải và tro xỉ với công nghệ tiên tiến nhất, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường.

Trong quá trình vận hành, các thông số dữ liệu về chất lượng khí thải, nước thải được hệ thống giám sát quan trắc môi trường online cập nhật liên tục về Sở TN&MT. Tro xỉ của nhà máy có thể được tận dụng làm vật liệu xây dựng, san lấp.

Với diện tích 48,5 ha, Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 có công suất 1.200 MW, dự kiến sẽ đưa vào vận hành năm 2022.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm