Gần 6.000 container rác tồn đọng: Sẽ đề nghị công an vào cuộc

Cụ thể, sáng 24-7, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với năm bộ ngành liên quan và đại diện các doanh nghiệp để thống nhất quan điểm trước khi trình Chính phủ giải pháp xử lý tình trạng phế liệu nhập khẩu ùn ứ tại các hải cảng nhiều tháng qua.

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, hiện có gần 6.000 container phế liệu nhập khẩu đang ùn ứ tại các cảng ở Hải Phòng và TP.HCM. Trong đó TP.HCM ùn ứ 4.480 container, Hải Phòng là 1.244 container. Ước tính khoảng 20% là phế liệu giấy và 80% còn lại là phế liệu nhựa và phế liệu khác. Việc tồn đọng các container phế liệu nhập khẩu tại các cảng biển đang là mối quan tâm lớn của dư luận, xã hội; làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các cảng, làm chậm lưu thông hàng hóa, giảm bãi chứa container; ảnh hưởng hoạt động của hải quan, các hãng tàu; làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp; đe dọa môi trường trong nước…

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tại cuộc họp sáng nay 24-7

Theo Bộ TN&MT, nguyên nhân của tình trạng này do từ đầu năm 2018, Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu, khiến nguồn phế liệu tràn sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Mặt khác pháp luật về nhập khẩu phế liệu chưa chặt chẽ, chưa có cơ chế phòng vệ từ xa khiến lượng phế liệu nhập về Việt Nam thời gian qua gia tăng đột biến và ùn ứ tại các cảng.

“Tính riêng tại cảng Cát Lái đã có khoảng 3.500 container phế liệu nhập tồn đọng. Có nhiều lô hàng vô chủ không xác nhận được địa chỉ nơi gửi, nhận. Có chuyện lợi dụng kẽ hở trong chính sách nhập khẩu phế liệu trong sản xuất nhằm tuồn chất thải vào nước ta, biến Việt Nam thành xưởng sơ chế chất thải của thế giới… Đây là việc báo động, không bình thường vì vậy cần phải có giải pháp để xử lý” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói. Ông cũng cho hay hiện nay đang tồn tại tình trạng buôn bán phế liệu ngầm, rác thải theo con đường ngầm được tuồn vào các làng nghề để sơ chế ở các cơ sở sản xuất không đủ năng lực gây ô nhiễm môi trường…

Tại cuộc họp, đại diện các bộ ngành và doanh nghiệp đều thống nhất quan điểm cần xiết chặt nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất vì hiện nay có hiện tượng lợi dụng chủ trương này để biến Việt Nam thành công xưởng sơ chế rác thải hoặc bãi rác của thế giới. Theo đó, các đại biểu tán thành không cho phép nhập khẩu những phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; phế liệu trong nước không có nhu cầu hoặc đã tự đáp ứng được.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho hay sẽ báo cáo Thủ tướng các ý kiến đã thống nhất tại cuộc làm việc. Trong đó, sẽ nhấn mạnh điều kiện của doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu để sản xuất phải đủ tiêu chuẩn (năng lực sản xuất, công nghệ, kho bãi, nhà máy, tài chính…).

“Trường hợp nào không đủ tiêu chuẩn thì không đước cấp phép nhập khẩu phế liệu. Đối với nhà sản xuất chỉ nhập phế liệu, sơ chế để xuất khẩu thì chúng ta không ủng hộ. Chúng ta không xử lý chất thải để xuất khẩu nguyên liệu mà chỉ sản xuất nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng hóa trong nước” - Bộ trưởng Hà nói.

Đối với việc xử lý các container phế liệu tồn đọng tại các cảng trong nước, ông Hà đề nghị các bộ, ngành giảm thủ tục tại các cảng, chú trọng hậu kiểm để giải phóng các lô hàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất thực. Ông Hà cũng cho hay sẽ kiến nghị Chính phủ cấm hàng hóa tạm nhập tái xuất vì rác thải phế liệu đang lợi dụng hình thức này để tuồn rác thải về các hải cảng. Đối với trường hợp gian lận, lợi dụng chính sách nhập khẩu phế liệu để tuồn rác thải vào trong nước, Bộ trưởng Hà cho hay sẽ kiến nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra làm rõ.

Dự kiến ngày mai 25-7, Bộ TN&MT sẽ báo cáo, xin Chính phủ sửa đổi Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg quy định danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.

Hiện danh mục này có 36 loại phế liệu được phép nhập khẩu. Bộ TN&MT đề xuất bãi bỏ 12 loại phế liệu (trong số 36 loại phế liệu), gồm: Loại có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; loại phế liệu không được hoặc ít được các doanh nghiệp nhập khẩu; loại phế liệu đã có nguồn cung cấp ở trong nước… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm