Đề xuất ‘độc’: Chống ngập bằng hóa chất​

“Lâu nay TP.HCM giải quyết bài toán chống ngập bằng các giải pháp cơ khí như xây bể chứa, lắp thêm máy bơm, xây dựng cống mới… Khác với giải pháp cơ khí mang tính lâu dài, giải pháp hóa học mang tính đột phá cao, kinh phí đầu tư vận hành thấp, dễ thực hiện” - TS Đặng Vũ Trọng, Giám đốc kỹ thuật một tập đoàn của Canada, đề xuất ứng dụng cho TP.HCM tại hội thảo do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức ngày 18-12.

Dùng hóa chất DRP hòa tan vào nước

Theo ông Trọng, giải pháp dùng hóa học này cơ bản được thực hiện bằng cách bơm chất DRP (Drag Reduction Polymer) vào hệ thống cống thải của TP thông qua các điểm được lắp đặt máy bơm DRP. Khi hòa tan hóa chất này vào nước thì sẽ làm tăng công suất dòng chảy nước, qua đó tăng năng suất cho cống thoát nước, máy bơm và giúp giảm ngập lụt tốt hơn.

Chất DRP với độ kéo dài cao trong dung dịch loãng có thể ảnh hưởng đến cấu trúc dòng chảy rối, chống lại sự phát triển xoáy rối và làm giảm sự tiêu tán năng lượng hoặc giảm lực cản dòng chảy. DRP không gây ảnh hưởng đến môi trường nước xử lý. Đặc biệt, giá thành chất DRP chỉ khoảng 4 USD/kg, tùy vào lưu lượng dòng chảy bao nhiêu mét khối trong một giờ, một ngày sẽ điều chỉnh lượng DRP phù hợp khi ứng dụng vào chống ngập cho TP.HCM.

Ông Trọng cũng thông tin thêm, việc dùng chất DRP làm tăng dòng chảy của nước cũng được ứng dụng nhiều nơi trên thế giới và cũng có nhiều nghiên cứu về việc này như nghiên cứu ảnh hưởng của DRP đối với giảm lực cản trong dòng chảy đường ống có đường kính 254 mm và một số loại cống thải khác nhau. Một trong những ứng dụng tiêu biểu nhất của chất DRP trong phòng và giảm ngập lụt là ứng dụng trong thời gian Thế vận hội mùa đông 2010 tổ chức tại bang British Comlumbia (Canada) với lượng du khách tham dự lên đến gần 70.000 người. Khi đó TP Whestler thuộc bang này đã chỉ ra khu vực dễ bị ngập úng và sử dụng DRP trong thời gian ngắn thay vì các giải pháp cơ khí khác.

TP Denver, bang Colorado của Mỹ cũng đã thử nghiệm giải pháp này vào năm 2000 cho thấy công suất của trạm bơm nâng Brantner Culch tăng 37% và thành phố này đã quyết định đưa chất DRP vào ứng dụng từ năm 2002.

Trong đợt triều cường mới đây, tuyến đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh) thường xuyên ngập sâu. Ảnh: THU TRINH

Còn nhiều vấn đề lưu ý

Dù được đánh giá là giải pháp mới nhưng TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM, lưu ý cần xem xét điều kiện của các nước đã từng dùng DRP có tương đồng với các điều kiện ở Việt Nam hay không.

“Dù được thí nghiệm là không gây ô nhiễm, cá vẫn sống được nhưng với nước kênh rạch nhiều nơi rất ô nhiễm như ở Việt Nam, giờ đổ thêm hóa chất vào cần phải được xem xét kỹ lưỡng về các vấn đề an toàn” - ông Cương nói.

Về vấn đề này, ông Trọng cho biết dựa trên kết quả thí nghiệm tại Mỹ, DRP không ảnh hưởng đến cá nước ngọt ở nồng độ thấp hơn 50 ppm, không ảnh hưởng đến 15 thế hệ tôm sống trong nồng độ 100 ppm, không gây kích ứng, không ảnh hưởng mạn tính (ung thư, độc sinh sản)…

“Chất DRP là giải pháp đột phá để đối phó với vấn đề ngập lụt tại TP.HCM. Nó có thể triển khai nhanh và sử dụng trong thời gian ngắn cần thiết, kinh phí đầu tư và vận hành vượt trội so với các giải pháp cơ khí khác. Chúng tôi rất mong muốn hợp tác với các ban, ngành TP trong lĩnh vực này” - ông Trọng đề xuất.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng đề nghị trước mắt thành phố cần tập trung vào các giải pháp có thể ngay lập tức giảm ngập là xử phạt nghiêm các hành vi đổ rác xuống miệng cống, làm ngăn dòng chảy của nước cũng như việc lấn chiếm, kênh rạch, sông suối… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm