Đà Nẵng: Rác chất đống trong phố vì bất cập đủ đường

Tại cuộc họp, ông Tô Văn Hùng (Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng) cho biết TP đã thống nhất chủ trương nâng cấp bãi rác Khánh Sơn. Việc đánh giá tác động môi trường sắp được Bộ TN&MT phê duyệt. Sau khi được duyệt và đi vào nâng cấp một số hạ tầng, hệ thống thu gom nước thải, trạm rỉ rác... sẽ khắc phục được phần ô nhiễm.

Sẽ chấm dứt ô nhiễm bãi biển

TP cũng đang kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác 1.000 tấn/ngày đêm và hiện đang lấy ý kiến của Bộ TN&MT, Bộ KH&CN, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương về bộ tiêu chí để kêu gọi nhà đầu tư.

Bãi rác Khánh Sơn. Ảnh: LÊ PHI

“Dự kiến trong tuần tới TP sẽ phê duyệt bộ tiêu chí này, tiến hành mời chào các nhà đầu tư, xét chọn và đấu thầu. Việc này TP hết sức thận trọng để đảm bảo chọn ra được một nhà đầu tư có năng lực, công nghệ phải tiên tiến và giá thành xử lý hợp lý nhưng thực hiện theo đúng pháp luật hiện hành. Theo kế hoạch, nếu mọi việc thuận lợi thì tới giữa năm 2022 TP sẽ có nhà máy này” - ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, hiện tại Công ty cổ phần Môi trường đô thị Việt Nam đang xin để nâng cấp công nghệ nhà máy hiện hữu với công suất 650 tấn.

Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng cũng cho hay đang triển khai dự án thu gom nước ven biển, cải thiện môi trường nước ven biển phía đông vừa có quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường. Dự án 1.422 tỉ đồng, xây dựng hệ thống đường ống có đường kính từ 1,8-2,2 m sẽ thu gom nước thải, nước mưa để chuyển về trạm Sơn Trà xử lý. Cùng với dự án này thì TP sẽ nâng cấp dự án trạm xử lý nước thải Sơn Trà lên thêm 40.000 m3/ngày đêm.

“Hy vọng trong năm 2020 sẽ hoàn thành đúng tiến độ. TP cũng đang triển khai thí điểm dự án khác để thu gom nước thải và nước mưa ra riêng. Khi hoàn thành chúng ta sẽ khắc phục được tình trạng ô nhiễm bãi biển” - ông Hùng cho hay.

Ùn ứ rác, dân bức xúc vì vướng đủ đường

Về việc ùn ứ rác khiến dân bức xúc, ông Tô Văn Hùng (Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng) cho hay từ năm 2012-2017, TP triển khai đề án thu gom rác theo giờ rất hiệu quả.

Rác ùn ứ trong TP vì vướng cơ chế, bị "tuýt còi" thu gom rác theo giờ. Ảnh: LÊ PHI

“Tuy nhiên, năm 2017, Kiểm toán Nhà nước vào kiểm tra công tác đặt hàng thì phần chi phí phát sinh do việc thực hiện thu gom rác theo giờ người ta không thanh toán. Người ta cho rằng số tiền này là không đúng nên TP cắt khoản này. Từ khi cắt khoản này thì công ty môi trường đô thị không thực hiện thu gom theo giờ nữa dẫn đến câu chuyện hiện nay rác để rất bừa bãi, thùng rác không có chỗ để dẫn đến ùn ứ rác” - ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng thừa nhận một phần nguyên nhân của tình trạng trên là do năng lực của công ty môi trường đô thị hiện nay còn hạn chế. “Trong khi quy mô đô thị phát triển rất lớn nhưng năng lực và kể cả con người, phương tiện của công ty này chưa đáp ứng được” - ông Hùng thừa nhận.

Ông Hùng cũng cho biết sở này đã đưa ra nhiều giải pháp để xử lý nhưng gặp vướng mắc đủ đường. Cụ thể, để thu gom rác trong các đường ngóc ngách, kiệt hẻm thì phải đầu tư phương tiện xe điện, xe máy ba bánh nhằm tăng tần suất, hiệu quả thu gom thay vì phải kéo xe như hiện nay.

“Nhưng hiện nay rất là vướng. Khi xin phép thí điểm phương án này thì Sở GTVT không cho, vì đây là xe ba bánh nên không được lưu thông. Vướng là vậy nhưng ở các địa phương khác như Huế, TP.HCM họ làm được nhưng Đà Nẵng thì không cho làm. Tới đây, Sở sẽ tiếp tục kiến nghị để TP cho triển khai thí điểm. Như hiện nay, một công nhân đẩy xe bò mà đi thu gom thì biết khi nào mà thu gom cho hết được” - ông Hùng phân tích.

Cũng theo ông Hùng, hiện nay để nâng cao năng lực thu gom rác thì TP có chủ trương xã hội hóa, đấu thầu về các quận, huyện nhưng cũng có bất cập.

“Triển khai đấu thầu là mình mong muốn có nhiều đơn vị vào cạnh tranh, nâng cao năng lực nhưng thực tế không có ông nào quan tâm. Có đấu thầu nhưng rồi cũng về Công ty Môi trường đô thị” - ông Hùng nói thêm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm