Chủ dự án 10.000 tỉ tiết lộ cách chống ngập

“Dự án này sẽ kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu người dân thuộc khu vực trung tâm TP.HCM, phía bờ hữu sông Sài Gòn. Có thể khẳng định TP hoàn toàn không ngập do triều khi dự án đi vào vận hành thực tiễn” - ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (chủ đầu tư dự án), cho biết như trên.

Giải quyết vấn đề ọc ngược nước

Ông Tiến thông tin: Dự án có sáu cống ngăn triều lớn và hệ thống đê kè. Khi đi vào hoạt động, các cống ngăn triều sẽ được đồng bộ hóa bằng hệ thống công nghệ điều khiển SCADA và mạng lưới quan trắc mực nước kênh rạch của hơn 15 điểm thu thập dữ liệu bố trí khắp sông ngòi, kênh rạch của TP.HCM.

Thông qua mạng lưới đó, các dữ liệu mực nước sẽ được ghi nhận, báo cáo và tự động cập nhật cho các trung tâm điều hành dự án để các nhân viên vận hành thực hiện đóng mở các van ngăn triều. Hoặc hệ thống vận hành cửa van sẽ tự động đóng mở khi thông số mực nước ở tình trạng cảnh báo của triều cao.

Nói về nguyên nhân gây ngập ở TP.HCM, nhiều chuyên gia nhận định một trong những yếu tố đáng chú ý là sự xuống cấp của hệ thống tiêu thoát nước, thiếu đồng bộ, thiếu khoa học và chưa cập nhật tình hình biến đổi khí hậu.

Theo đó, tình trạng hệ thống thoát nước nội đô TP đang vướng phải chính là vấn đề “ọc ngược nước” (nước từ kênh rạch đổ vào nội đô khi triều lên cao).

Các chuyên gia cũng nhận định: Về nguyên lý ống cống thông nhau, hệ thống cống rãnh chính là ống thông giữa mặt đường, mặt phố và kênh rạch. Khi nước triều cao hơn cao trình cống, nước từ kênh rạch chảy ngược vào đường phố, nhà cửa, đô thị thông qua hệ thống cống rãnh này.

Thực tế, nhiều khu vực thấp trũng thuộc bờ hữu sông Sài Gòn như quận 4, quận 7, quận 8 và nặng nhất là huyện Bình Chánh đã và đang phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc ngập nặng do triều dù trời không mưa.

Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng đang trong quá trình triển khai.  Ảnh:  PH.CƯỜNG

Giải quyết ngập do mưa kết hợp triều

Một trong những nỗi ám ảnh của người dân TP.HCM nhiều năm qua là tình trạng ngập do mưa cùng lúc kết hợp triều cường: Trên trút nước, dưới nước dâng khiến TP như đang bị nhấn chìm.

Theo đại diện chủ đầu tư dự án, trong tình huống cực đoan nhất là khi mưa lớn kết hợp triều cao, hệ thống quan trắc kể trên sẽ phát tín hiệu cảnh báo và các van cống bắt đầu đóng lại, ngăn triều xâm nhập vào kênh rạch.

Sau khi các van cống được đóng lại hoàn toàn, các máy bơm (chín máy bơm công suất lớn lắp ở ba cống) sẽ tiến hành bơm nước trực tiếp từ bên trong kênh rạch nội đô đổ ra sông lớn nhằm điều tiết cao trình mực nước thấp hơn cao trình 1,3-1,5 m của hệ thống cống thoát nước đô thị.

Một khi mực nước kênh rạch nội đô thấp hơn cao trình 1,3-1,5 m, nước mưa sẽ theo hệ thống thoát nước đô thị thoát ra kênh rạch và hệ thống máy bơm công suất lớn tiếp tục hỗ trợ cho thoát nước đô thị bằng cách bơm nước ra sông ngòi.

Quá trình sẽ tiếp tục diễn ra cho đến khi các hiện tượng cực đoan liên quan đến mưa và triều chấm dứt. Đó là điểm khác biệt cho dự án giải quyết ngập do triều mà các dự án chống ngập trước đây ở TP.HCM chưa hoàn thiện được.

Tuy nhiên, lãnh đạo chủ đầu tư dự án cũng cho rằng việc giải quyết hoàn toàn ngập do mưa không được dự án này đảm bảo vì còn phụ thuộc vào hệ thống cống rãnh, thoát nước. Vì vậy, công tác khai thông cống rãnh cũng như ý thức dân sinh trong việc đảm bảo cống rãnh thông thoáng rất quan trọng cho việc chống ngập.

Liên quan đến dự án này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa có văn bản giao Sở KH&ĐT khẩn trương thực hiện đúng theo chỉ đạo của UBND TP về tiến độ toàn dự án (hiện đã đạt khoảng 75%).

Về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, ông Tuyến giao UBND các quận, huyện liên quan dự án khẩn trương hoàn tất công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư triển khai dự án theo đúng tiến độ, trước ngày 30-6 tới.

Đẩy nhanh dự án về đích

TP.HCM có diện tích hơn 2.000 km2, trong đó hơn 1.330 km2 (63%) có cao độ dưới 1,5 m là nơi có địa hình thấp, chịu tác động trực tiếp từ triều biển Đông nên thường xuyên xảy ra tình trạng ngập.

Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) khởi công giữa năm 2016 nhằm kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km² và khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.

Trước đó, ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết: “Hiện nhà đầu tư, cơ quan chức năng liên quan và UBND TP đang dần tháo gỡ từng nút thắt khó khăn để dự án có thể chạy một cách thuận tiện, trơn tru nhất nhằm đẩy nhanh dự án về đích đúng hẹn”. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục kéo dài ở Nam bộ

Nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục kéo dài ở Nam bộ

(PLO)- Dự báo nắng nóng vẫn tiếp diễn, sang tháng 4 và tháng 5 sẽ có những đợt nắng nóng kéo dài, diễn ra trên diện rộng cả miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ, nhiệt độ cao nhất là trên 39 độ C.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM còn 166 điểm tồn đọng rác

TP.HCM còn 166 điểm tồn đọng rác

(PLO)- Một số địa bàn vẫn còn nhiều điểm tồn đọng rác thải cần được giải quyết triệt để như TP Thủ Đức, quận Bình Tân, huyện Hóc Môn, quận 12 và quận Bình Thạnh.