Chính quyền và người dân 'đi tìm nơi phát sinh mùi hôi'

Sáng 7-8, đại diện của Sở TN&MT, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, Phòng TN&MT quận 7, huyện Bình Chánh và Nhà Bè; hơn 30 người dân các xã Đa Phước, Phong Phú (nằm liền kề vùng ảnh hưởng mùi hôi), đặc biệt là sự có mặt của đại diện một số chung cư, khu dân cư ở Phú Mỹ Hưng, như Mỹ Thái, Green Valley, Cảnh Viên, Đức Khải, Phú Mỹ, Phú Gia, Grand View, Sunrise Central… đi giám sát mùi hôi ở khu vực xã Đa Phước.

Ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn (Sở TN&MT TP.HCM) chủ trì buổi giám sát tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.

Chuyện mùi hôi người dân ca thán cũng nhiều, báo chí vào cuộc tìm hiểu cũng không ít. Tuy nhiên, nguyên nhân vì đâu vẫn mãi chưa tìm ra. Chính vì vậy, nhằm trả lời đơn thư khiếu nại của người dân, đồng thời cũng mong muốn tìm ra thật sự nguyên nhân để giải quyết vụ việc, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM và Sở TN&MT quyết định tổ chức đợt giám sát trên diện rộng tại khu vực Đa Phước, trong đó có ba doanh nghiệp có liên quan đến việc gây ra mùi hôi mỗi khi mùa mưa đến hoặc khi trời chuyển gió theo hướng tây-tây nam. Đó là Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (thuộc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam - VWS); Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh (chuyên xử lý bùn thải cống rãnh) và Công ty TNHH Dịch vụ Môi trường Đô thị Hòa Bình (chuyên xử lý phân hầm cầu).

Xe chuyên dụng đưa người dân lên đỉnh rác Đa Phước để giám sát mùi hôi.

Và cũng không quá bất ngờ khi địa điểm được lựa chọn kiểm tra, giám sát đầu tiên là Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, thuộc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam - VWS). Theo đó, ba chuyến xe chuyên dụng lần lượt chở gần 50 người dân lên đỉnh rác, để chứng kiến và trực tiếp cảm nhận “mùi” ngay trên đỉnh rác. Xe tiếp tục vòng qua khu xử lý nước thải để mọi người cảm nhận mùi hôi như thế nào. Sau đó, mọi người trở về để nói lên cảm nhận cụ thể của chính mình. Chúng tôi xin lược ghi bốn trong số 12 ý kiến của người dân sau khi lên đỉnh rác Đa Phước:

Ông Phạm Văn Hai (xã Phước Kiển, Nhà Bè): Đây là lần thứ hai tôi vào tham quan bãi rác Đa Phước và tôi thấy công ty đã khắc phục, khống chế mùi hôi tốt hơn so với lần trước… Tuy nhiên, mong Công ty VWS sớm chuyển đổi công nghệ để xử lý triệt để hơn về mùi hôi.

Ông Từ Ngọc Linh (xã Nhơn Đức, Nhà Bè): Nhà tôi cách bãi rác này chỉ một con sông và trước đây thường bị ảnh hưởng mùi hôi. Hôm nay tôi khảo sát trên đỉnh chôn lấp rác, có cảm nhận mùi hôi nhẹ nhưng không nồng nặc như người dân phản ảnh.

Bà Tô Hồng Trang, đại diện khu Phú Gia, phường Tân Phong, quận 7: Việc giám sát trong khung giờ nhất định sẽ không đánh giá được mùi hôi… Tôi thấy qua mỗi năm, mùi hôi càng nhiều hơn, bay xa hơn và ảnh hưởng đến đông người hơn… Tôi đề nghị Sở TN&MT có biện pháp giúp công ty chuyển đổi sang công nghệ đốt để nhanh chóng chấm dứt mùi hôi...

Ông Nguyễn Trọng Hùng, đại diện chung cư Grand View: Chúng tôi cảm nhận nỗi khổ của người dân bị ảnh hưởng vì mùi hôi. Từ năm ngoái đến giờ, mùi có giảm nhưng vẫn xuất hiện vào buổi chiều và tối. Chúng tôi mong muốn chính quyền công khai dữ liệu quan trắc không khí, nước để người dân biết và giám sát…

Tiếp đó, đoàn và người dân tiếp tục lên xe di chuyển sang giám sát thực tế tại Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh. Được biết đây là doanh nghiệp chuyên xử lý bùn cống rãnh trên địa bàn TP, đồng thời cũng là chủ sở hữu sản phẩm đất sạch “Tribat”.

Hầm chứa bùn cống rãnh nồng nặc mùi sau khi được tách nước của Công ty Sài Gòn Xanh.

Mọi người được lên xe đi tham quan từng công đoạn xử lý, ủ kỵ khí và ủ hiếm khí đất bùn của công ty. Tuy nhiên, càng đi đến đâu, mọi người càng than khó thở, chóng mặt và “rơi rụng” dần vì mùi hôi quá nồng nặc, cho dù mọi người đã được cung cấp khẩu trang vệ sinh…

Bùn cống rãnh đã được xử lý, phơi khô… nhưng không che đậy, tạo mùi hôi nồng nặc.

Sau cùng, người dân vòng qua giám sát trong Công ty TNHH Dịch vụ Môi trường Đô thị Hòa Bình, doanh nghiệp chuyên xử lý phân hầm cầu ở TP.HCM. Tại đây, trong điều kiện bình thường và gió nhẹ, chúng tôi cảm nhận rất rõ mùi hôi đặc biệt của “phân hầm cầu”. Lo lắng hơn chính là quang cảnh và hệ thống hạ tầng bể chứa, bạc che phủ bể chứa của công ty rất cũ kỹ và che chắn sơ sài.

Xe hút phân hầm cầu chuẩn bị xả vào bể chứa lộ thiên, tạo ra mùi hôi rất gắt.

Ngay tại phòng họp của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh khi chia sẻ ý kiến của người dân sau khi giám sát, chị Cẩm Thu (thành viên diễn đàn mạng xã hội Facebook “Sự thật mùi hôi thối ở Phú Mỹ Hưng” nói: Cái mùi tôi ghi nhận tại đây, hôm nay chính là mùi hôi mà lâu nay chúng tôi bị ảnh hưởng, không thể nhầm lẫn được.

Kết thúc buổi giám sát, người dân tiếp tục mong chờ văn bản kết luận chính thức cũng như các giải pháp triệt để nhằm giảm bớt và tiến tới không còn xuất hiện mùi hôi nữa. Đó là ý kiến chính đáng của những người dân tham gia buổi giám sát và cũng chính là trách nhiệm trả lời của Sở TN&MT TP.HCM, của những doanh nghiệp đang trực tiếp hay gián tiếp tạo ra sự ảnh hưởng xấu để đời sống của người dân nơi đây.

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và gửi đến bạn đọc những thông tin mới nhất liên quan đến “Sự thật mùi hôi thối ở Phú Mỹ Hưng” sau khi có kết luận của đoàn giám sát...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm