Chặt hạ cây xanh: Làm sao để người dân không phản ứng?

Sáng 19-3, Hội Kiến trúc sư TP.HCM tổ chức hội thảo vấn đề cây xanh đô thị TP.HCM. Tại hội thảo, các kiến trúc sư, nhà quản lý đã đưa ra nhiều vấn đề liên quan cây xanh đô thị.

Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm đó là không ít trường hợp khi chặt hạ một cây xanh bị sâu bệnh, đến tuổi đốn hạ để đảm bảo an toàn nhưng lại bị dư luận phản ứng.

Trước khi đốn hạ cây xanh cần có thông tin công khai đến người dân. ẢNH: NGUYỄN CHÂU

Theo TS Nguyễn Thị Hậu, giảng viên trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, thời gian vừa qua, tại TP.HCM liên tiếp xảy ra tình trạng chặt hạ hàng loạt cây xanh để giải phóng mặt bằng xây dựng hạ tầng ở khu trung tâm TP. Thực trạng này đã gây ra những phản ứng gay gắt của người dân.

TS Nguyễn Thị Hậu cho rằng, đối với những cây xanh bị chặt hạ, dù đã được kiểm tra có điểm bất thường và cần phải chặt để đảm bảo an toàn cho người dân hoặc chặt hạ để xây dựng hạ tầng nhưng người dân không biết.

"Chính vì vậy khi chặt hạ cây xanh, cơ quan quản lý cần công khai cho người dân biết nguyên nhân chặt. Tôi nghĩ điều này vừa dân chủ cơ sở vừa thuận lợi cho cơ quan quản lý. Làm như thế sẽ không bị phản ứng”- TS Nguyễn Thị Hậu nói.

Theo ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, hiện trung tâm đang nỗ lực thực hiện thông tin minh bạch cho người dân khi chặt hạ cây xanh để khi thực hiện người dân không phản ứng.

“Trước khi chặt hạ cây xanh chúng tôi thông tin công khai đến người dân, đặc biệt là đối với những cây cổ thụ. Ngoài ra, khi chặt hạ cây, chúng tôi cũng phải đánh giá các yếu tố về kỹ thuật, có thông báo đến người dân, phường, quận để người dân chia sẻ”- ông Điệp nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm