Chặn xe rác để đòi nợ tổng thầu

Nhà máy xử lý rác sinh hoạt Cần Thơ có vốn đầu tư 1.050 tỉ đồng, được xây dựng trên diện tích 5,3 ha tại xã Trường Xuân (huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), do Công ty TNHH Everbright International (Trung Quốc - TQ) làm chủ đầu tư (pháp nhân tại Việt Nam là Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ). Dự án do Công ty Sinohydro Corporation Limited (TQ, có trụ sở chi nhánh ở ấp Trường Phú A, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai) làm tổng thầu. Trong quá trình xây dựng, tổng thầu ký nhiều hợp đồng với các nhà thầu phụ là những công ty trong nước. Nhà máy chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động từ ngày 8-12-2018. Tuy nhiên, đến nay tổng thầu vẫn chưa thanh toán cho các nhà thầu phụ với số tiền lên đến cả trăm tỉ đồng.

Trụ sở vắng bóng người

Ông Lê Minh Mẫn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quảng cáo AMC Mekong (TP Cần Thơ), trình bày: Ngày 22-5-2018, công ty ký hợp đồng kinh tế số CG-VN-2018-008 với tổng thầu để sản xuất, thi công lắp đặt lan can và hành lang inox cho công trình nhà máy xử lý rác. Tiếp đó, ngày 20-9-2018, công ty ký thêm hợp đồng kinh tế số CG-VN-IS-2018-039 với nhà thầu. Tổng giá trị các hợp đồng trên 2,2 tỉ đồng.

Trong quá trình thi công, phía Công ty AMC Mekong đã hoàn thành tất cả hạng mục theo ký kết. Hai bên đã lập biên bản nghiệm thu. Tuy nhiên, từ đầu tháng 12-2018, sau khi xuất hóa đơn GTGT, Công ty AMC Mekong đã nhiều lần đốc thúc thanh toán tiền nhưng tổng thầu chỉ trả một phần.

Ông Mẫn bức xúc: “Chúng tôi đã nhiều lần đến nhà máy rác yêu cầu chủ đầu tư can thiệp, giúp chúng tôi giải quyết nợ. Chủ đầu tư cho biết đã có công văn gửi tổng thầu yêu cầu ngồi lại giải quyết công nợ hoặc ủy quyền cho chủ đầu tư trực tiếp giải quyết với các nhà thầu phụ nhưng chưa thấy tổng thầu trả lời”.

Nhà máy xử lý rác sinh hoạt Cần Thơ đã đi vào hoạt động gần hai tháng. Ảnh: NAM GIAO

Với tầm công ty vừa và nhỏ nhưng bị tổng thầu nợ trên 656 triệu đồng, trong khi năm hết Tết đến, áp lực trả chi phí vật tư, tiền công cho người lao động rất căng, ông Mẫn đành phải nhờ nhiều cơ quan ở Cần Thơ can thiệp, hỗ trợ lấy nợ nhưng xem ra quá khó.

Cũng theo ông Mẫn, hiện có đến 6-7 nhà thầu phụ bị nợ với số tiền trên 100 tỉ đồng. Theo một số nhà thầu phụ, họ đã tìm đến địa chỉ tổng thầu đặt chi nhánh đại diện ở ấp Trường Phú A để đòi nợ. “Chúng tôi tìm đến địa chỉ theo hợp đồng ký kết này thì thấy vắng bóng người” - ông Mẫn cho biết.

Chặn xe rác là không đúng

Do bị nợ và đòi nhiều lần không trả, thời gian gần đây nhiều thầu phụ đã tổ chức người đến Nhà máy xử lý rác sinh hoạt Cần Thơ đòi nợ, chặn xe chở rác thải vào nhà máy. Trước tình hình này, chính quyền địa phương phải vào cuộc, yêu cầu các bên ngồi lại giải quyết theo quy định pháp luật và không được cản trở việc vận chuyển rác vào nhà máy để xử lý.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết: Tại lần ngồi lại với nhau, tổng thầu cam kết sẽ làm việc với chủ đầu tư cũng như các nhà thầu phụ để giải quyết theo quy định. Đồng thời một số nhà thầu phụ cũng có cam kết không để xảy ra việc ngăn chặn xe chở rác vào nhà máy. 

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, cho biết hợp đồng giữa các nhà thầu phụ với tổng thầu là giao dịch dân sự, làm ăn kinh tế với nhau. Do vậy giữa các bên có vướng mắc, tranh chấp thì nên ngồi lại với nhau để giải quyết theo quy định pháp luật.

“Vừa qua xảy ra tình trạng nhà thầu phụ chặn xe rác, không cho vào nhà máy, TP đã chỉ đạo cho địa phương và ngành chức năng mời các bên có liên quan gồm chủ đầu tư, tổng thầu và các thầu phụ ngồi lại và đã phân tích cụ thể cho các bên để thỏa thuận cũng như có cam kết với nhau. Chính quyền cũng phân tích việc chặn xe rác vào nhà máy xử lý là việc làm không đúng, nếu để xảy ra quá đà sẽ ảnh hưởng đến vấn đề xử lý rác thải của TP, gây mất an ninh trật tự” - ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, giữa các bên nếu không có sự thống nhất thì có thể thông qua tòa án để giải quyết theo đúng quy định pháp luật cũng như theo các giao kết trong hợp đồng. TP chỉ đứng ra yêu cầu các bên cùng ngồi lại tìm hướng giải quyết chứ TP không thể can thiệp vì là giao kết kinh tế, dân sự và có hợp đồng theo pháp luật. “Nhà đầu tư qua làm việc với TP cam kết đến nay không còn nợ tổng thầu, chỉ còn giữ lại một khoản theo hợp đồng vì trong thời hạn bảo hành” - ông Dũng cho biết thêm.

Chưa có phương án xử lý 18 tấn tro bay/ngày

Liên quan đến Nhà máy xử lý rác sinh hoạt Cần Thơ còn vấn đề khác khiến dư luận quan tâm là việc xử lý tro bay của nhà máy sau khi đốt rác. Theo thiết kế, nhà máy xử lý 400 tấn rác/ngày, rác được biến thành điện với công suất 150.000 kWh/ngày. Lượng tro xỉ còn lại khoảng 18%-20% và được bán cho các đơn vị có nhu cầu để san lấp mặt bằng. Còn tro bay phát sinh trong ngày là hơn 4% (15-18 tấn/ngày) và được chứa trong kho của nhà máy. Tuy nhiên, hiện nhà máy chưa có phương án xử lý lượng tro bay này, trong khi đó diện tích nhà kho có giới hạn, nếu không được xử lý kịp thời thì sẽ không còn chỗ chứa trong thời gian tới. Theo hợp đồng ký kết thì TP Cần Thơ sẽ phụ trách xử lý tro bay nhưng đến nay TP Cần Thơ vẫn chưa có hướng, công nghệ xử lý và giải pháp sắp tới có thể là chôn lấp tạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm