Cần Thơ: Sạt lở sông Ô Môn đe dọa ngôi chùa 300 tuổi

Ngày 14-5, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống cùng đoàn công tác đã đi khảo sát thực địa tại vị trí sạt lở trên tuyến sông Ô Môn (nằm ngay ngã ba sông Ô Môn và Rạch Tra), thuộc địa phận xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống (bìa phải) trao đổi với lãnh đạo UBND Thới Thạnh về các phương án kè sông sạt lở. Ảnh: NN

Sau khi khảo sát, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, đối với những đoạn bờ sông xung yếu mà biện pháp phi công trình không hiệu quả thì sẽ làm kè kiên cố. Tuy nhiên, TP không có kinh phí để kè kiên cố hết toàn bộ nên chỗ nào không cần kè cứng thì địa phương và nhân dân vận động cùng làm kè đơn sơ, chỗ nào không cần kè đơn sơ thì trồng bần để tránh sạt lở, như thế thì toàn tuyến sẽ an toàn bền vững.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng chiều dài đoạn sông có nguy cơ sạt lở cao khoảng 430 m. Sạt lở trên tuyến ảnh hưởng nghiêm trọng trực tiếp đến một trường tiểu học (Trường Tiểu học Thới Thạnh) và một ngôi chùa Khmer đã tồn tại trên 300 năm (chùa Phsachevone  Rạch Tra) và tuyến đường giao thông nông thôn ven sông.

Đoạn sạt lở nằm ngay vị trí đoạn sông cong. Vị trí sạt lở này là nơi dòng chảy không ổn định, ghi nhận thấy dòng chảy áp vào bờ với vận tốc khá lớn, xuất hiện dòng xoáy, nước cuộn áp sát bờ.

Vị trí sạt lở được gia cố bằng cừ dừa, cừ tràm, rọ đá đều không ăn thua, tất cả đều ngả dần ra giữa sông. Ảnh: NN

Theo kết quả khảo sát thực địa, dọc theo khu vực tại vị trí sạt lở nêu trên đã và đang xuất hiện nhiều vết nứt, hàm ếch và nhiều nơi bị sạt lở nghiêm trọng. Theo báo cáo của địa phương, hàng năm hiện tượng sạt lở bờ thường xuyên xảy ra đe dọa đến an toàn của người dân, tuyến đường giao thông nông thôn ven sông, chùa và trường học ở đây.

Báo cáo của Sở NN&PTNT xác định nguyên nhân ban đầu của tình trạng sạt lở là do tác động của dòng chảy cộng với sự bất lợi của điều kiện địa hình, vị trí địa lý. Địa hình lòng sông khá sâu, đường bờ sông dốc rất dễ xảy ra sạt lở. Lưu lượng tàu thuyền trên sông rất lớn, đặc biệt là tàu thuyền tải trọng lớn, tốc độ cao sinh ra sóng lớn

Vị trí sạt lở gây hở hàm ếch tuyến đường nông thôn và đe dọa ngôi chùa 300 tuổi kế bên. Ảnh: NN

“Thời gian qua, UBND huyện Thới Lai đã thực hiện các giải pháp dân gian, truyền thống như sử dụng cừ tràm, cừ dừa, khung bê-tông kết hợp tấm dal để gia cố bờ sông chống sạt lở. Tuy nhiên, hiệu quả không cao, sạt lở vẫn tiếp tục xảy ra và có nguy cơ ngày càng lấn sâu vào bờ. Để giải quyết dứt điểm tình hình sạt lở tại khu vực trên nhằm bảo vệ đất đai, bảo vệ các công trình trường học, kiến trúc văn hóa, lịch sử, đảm bảo cuộc sống người dân… Sở NN&PTNT đề nghị UBND TP xem xét chấp thuận chủ trương cho thực hiện đầu tư xây dựng tuyến kè chống sạt lở kiên cố bằng bê-tông cốt thép với chiều dài 430m. Tổng mức đầu tư 50 tỉ đồng” – báo cáo nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm