Cần sử dụng nguồn năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Cũng như nhiều quốc gia khác, biến đổi khí hậu đang là một trong những vấn đề quan trọng và thách thức đối với Việt Nam. Thách thức này ảnh hưởng đến sự phát triển chung, đòi hỏi chúng ta cần có những bước đi chiến lược, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng.

Còn nhiều tồn tại và khó khăn

Theo Dự thảo báo cáo Quy hoạch phát triển năng lượng Quốc gia giai đoạn 2016-2025, định hướng đến 2035 do Viện Năng lượng, Bộ Công Thương đang thực hiện, dự báo về nhu cầu năng lượng cho thấy đến năm 2035, tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng, tăng gấp gần 2,5 lần so với năm 2015.  Vào năm 2035, mức tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải (chiếm tỷ trọng 27,5%) được dự báo sẽ gia tăng nhanh nhất (5,7%/năm), lĩnh vực công nghiệp (chiếm tỷ trọng 45,3%) có tốc độ tăng 5,0%/năm trong giai đoạn 2016-2035.

Với những nỗ lực của chính quyền và người dân, mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, nhưng ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng vẫn còn tình trạng thất thoát và lãng phí trong sử dụng năng lượng tại tất cả các lĩnh vực, từ sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ cho đến tiêu dùng hộ gia đình.

Tham gia Giờ trái đất, nhằm kêu gọi cộng đồng tiết kiệm năng lượng và bảo vệ trái đất

Cụ thể, các khảo sát, tính toán cho thấy, hiệu suất sử dụng năng lượng trong nhiều nhà máy điện tuabin hơi đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt được từ 28% đến 35%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 8-10%. Trong khi đó, năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm trong nhiều ngành công nghiệp của nước ta cao hơn nhiều so với các nước phát triển.

Hiện sản lượng điện của cả nước cũng ghi nhận con số cao kỷ lục ở mức 785,92 triệu kWh, tăng đến 15% so với mức cùng kỳ năm 2018. Riêng tại TP.HCM, theo thống kê của Trung tâm đo đếm hệ thống điện TPHCM, lượng điện năng tiêu thụ của TP đạt mức 90,038 triệu kWh, cao hơn 10% so với đỉnh của năm 2018; con số này cũng cao gấp 2,5 lần so với ngày thấp nhất tính từ đầu năm 2019.

Mặt khác, nhu cầu năng lượng tăng sẽ kéo theo nhiều thách thức về các tác động môi trường. Đi kèm với đó là sự gia tăng nhanh chóng về tỷ trọng của các nguồn nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là than trong cơ cấu nguồn cung năng lượng.

Khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển năng lượng

TP.HCM có tốc độ phát triển kinh tế xã hội nhanh của cả nước. Trong lĩnh vực năng lượng, chính quyền thành phố luôn ưu tiên, chú trọng đến các giải pháp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường bằng sử dụng nhiên liệu thay thế, phát triển năng lượng sạch... Bởi lẽ ngành năng lượng đóng vai trò then chốt cho việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Tăng trưởng kinh tế đòi hỏi phải có nguồn cung năng lượng an toàn. Đồng thời, để bảo đảm tính bền vững, ngành năng lượng phải có khả năng thu hút nguồn vốn cần thiết để phát triển cơ sở hạ tầng, giữ nguồn cung năng lượng trong dài hạn, giảm các tác động tiêu cực tới môi trường và kiểm soát được lượng khí nhà kính phát thải ra môi trường.

Vừa qua, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 37-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, TP.HCM đặt mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu năng lượng, đáp ứng cho các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 của thành phố. Trong đó, xăng, dầu, gas đến năm 2030 đạt khoảng 4,1 triệu TOE (tấn dầu quy đổi); công suất lưới điện đáp ứng đủ và có dự phòng nhu cầu sử dụng điện cực đại đến năm 2025 là 7.000 MW, đến năm 2030 là 8.850 MW; sản lượng điện thương phẩm đến năm 2025 đạt khoảng 40.478 triệu kWh; sản lượng điện thương phẩm đến năm 2030 đạt khoảng 53.232 triệu kWh. Đặc biệt, TP.HCM đặt mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo so với công suất cực đại của hệ thống điện thành phố phấn đấu đạt tối thiểu 15% trong giai đoạn 2025 - 2030.

Theo các chuyên gia, TP.HCM còn nhiều tiềm năng phát triển năng lượng sạch. Mặt trời, gió, rác thải được xác định là ba nguồn năng lượng sạch dồi dào nhất mà chúng ta đang sở hữu. Nếu tận dụng tốt những nguồn năng lượng này, TP không những giải quyết tốt bài toán an ninh năng lượng mà còn góp phần đáng kể trong việc thực hiện thành công chương trình mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường. (tổng hợp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm