Cần hơn 70.000 tỉ đồng để chống ngập TP.HCM

Sáng 9-8, UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải trên địa bàn TP. Tại hội nghị, các chuyên gia, các nhà đầu tư đã chia sẻ nhiều giải pháp chống ngập, xử lý nước thải như phát triển không gian điều tiết nước mưa, xây dựng hồ điều tiết ngầm, xây dựng hệ thống cống bao và xử lý nước thải tập trung…

TP.HCM lún 7 cm/năm?

Ông Laurent Umans, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Hà Lan, cho rằng mặt đất ở TP.HCM đang bị sụt lún với tốc độ khoảng 7 cm mỗi năm. “Sự tồn tại của TP.HCM đang bị đe dọa. Theo dự báo, khoảng 30 năm, 50 năm hay 100 năm nữa, một phần lớn TP sẽ nằm dưới mực nước biển” - ông Laurent nói.

Ông Laurent cho biết thêm có ba vấn đề liên quan đến tình hình ngập nước của TP. Thứ nhất là biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng, thứ hai là vấn đề sụt lún và thứ ba là mực nước ngầm giảm. TP.HCM cần hành động ngay và thiết kế các lộ trình thích hợp để có thể chủ động trong việc này. Ông Laurent khuyến nghị TP.HCM nên di chuyển các cảng về phía biển, nên phát triển TP và mở rộng về vùng đất cao hơn, vững chắc hơn.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các nhà đầu tư tại hội nghị. Ảnh: TÁ LÂM

Biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM, cho rằng tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt như lượng mưa tăng, đỉnh triều cường luôn duy trì trên mức báo động, sạt lở ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, hệ thống thoát nước của TP chỉ đáp ứng 60%, nhiều tuyến đường thiếu hệ thống thoát nước.

Ông Dũng khẳng định đến nay TP mới hoàn thành ba dự án cải tạo kênh rạch, xây dựng ba nhà máy xử lý nước thải, làm cống thoát nước được hơn 4.100 km trong tổng số 6.000 km cần xây dựng, xây dựng 64 km đê bao ven sông Sài Gòn để chống ngập trong khi đê bao ven sông cần xây dựng lên đến 149 km.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng việc giải quyết ngập ở TP.HCM phải xác định rõ từng vị trí, từng nguyên nhân để có giải pháp cụ thể. Bài toán tổng thể là phải điều chỉnh lại quy hoạch thoát nước, ngập của TP.

Theo báo cáo của TP.HCM, để triển khai các giải pháp chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2016-2020, TP.HCM cần hơn 73.400 tỉ đồng nhưng ngân sách TP chỉ có thể bố trí hơn 16.300 tỉ đồng, còn lại cần kêu gọi nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia.

Các nhóm dự án kêu gọi đầu tư

Bảy dự án xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải: Lưu vực Tây Sài Gòn với tổng mức đầu tư 7.700 tỉ đồng; lưu vực Bình Tân: 9.804 tỉ đồng; lưu vực Tân Hóa-Lò Gốm: 6.395 tỉ đồng; lưu vực Bắc Sài Gòn 1: 5.544 tỉ đồng; lưu vực Bắc Sài Gòn 2: 5.100 tỉ đồng; lưu vực rạch Cầu Dừa: 5.000 tỉ đồng; lưu vực Tây Bắc: 6.000 tỉ đồng.

Sáu dự án nạo vét, cải tạo các tuyến kênh rạch: Xây dựng bờ kênh và hạ tầng kỹ thuật kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Chợ Đệm: 8.825 tỉ đồng; xây dựng hệ thống thoát nước và ngăn triều lưu vực từ cầu Tham Lương đến sông Chợ Đệm: 1.097 tỉ đồng; nạo vét trục thoát nước rạch Thủ Đào: 522 tỉ đồng; nạo vét trục thoát nước rạch Ông Bé: 1.250 tỉ đồng; nạo vét trục thoát nước rạch Thầy Tiêu: 1.789 tỉ đồng; cải tạo hệ thống kênh Vĩnh Bình: 6.184 tỉ đồng.

Ba dự án xây đê bao và các cống kiểm soát triều vòng ngoài của TP.HCM:Cống kiểm soát triều sông Kinh: 1.200 tỉ đồng; cống kiểm soát triều rạch Tra: 1.122 tỉ đồng; đê bao ven sông Sài Gòn từ Vàm Thuật đến sông Kinh đoạn còn lại: 3.400 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm