Buồn vui của người công nhân trên đỉnh rác Đa Phước

Chuyến đi này được xuất phát từ một nguyên nhân. Đó là mới đây, sau khi xem chương trình truyền hình trực tiếp cuộc họp của HĐND TP.HCM và một bài báo nói về công việc người công nhân làm vệ sinh cống rãnh. Công việc của họ là dọn rác để cống không bị tắc nghẽn, tránh ngập. Trong đó, người công nhân này đã nói ra được những cực khổ, khó khăn của người công nhân ngâm mình trong nước cống đen ngòm với bao hiểm nguy rình rập để làm thông cống rãnh. Thế rồi, tôi chợt nhớ ra, ở thành phố này, mỗi ngày cũng có khoảng 400 người công nhân, 24/24 giờ, 7 ngày/tuần và 365 ngày/năm, họ không ngơi nghỉ, bất kể nắng mưa, bất kể lễ/tết… luôn làm việc để mỗi ngày “tiếp nhận và xử lý” hơn 5.000 tấn rác thải của TP.HCM.

Bạn có biết, để chứa hết 5.000 tấn rác, phải cần diện tích rộng bằng một sân bóng đá và đổ rác lên cái sân bóng đó với 2 mét chiều cao rác. Và bạn có biết rằng, từ khi bắt đầu hoạt động (2007) đến nay, Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (thuộc Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam – VWS), đã tiếp nhận và xử lý khoảng hơn 14 triệu tấn rác cho thành phố hơn 10 triệu dân này. Và nghĩa là, không thể đếm được số ngày công lao động của những người suốt ngày, suốt tháng, suốt năm… phơi mình trên bãi rác Đa Phước.

Đỉnh rác Đa Phước trong buổi chiều mây mù

Cho nên, qua ống kính ghi nhận công việc của những người công nhân  trên đỉnh rác Đa Phước, chúng tôi không dám tôn vinh họ bởi xã hội vẫn còn nhiều công việc khó khăn và cực khổ hơn. Thế nhưng, hãy lắng nghe anh Phan Văn Tiền (sinh 1961, công nhân khâu kéo bạt), đã làm việc hơn 6 năm trên đỉnh bãi rác chia sẻ: “Ban đầu đi làm công việc về rác, tôi cũng ngại ngại, sợ sợ. Nhưng làm riết rồi quen, quen rồi thì thích. Công việc của chúng tôi mỗi ngày là dầm mình trong rác, mọi người chung tay xử lý hơn 5.000 tấn rác, làm ngày và đêm, bất kể thời tiết, có lúc giông gió bão, đặc biệt là những hôm giông gió ban đêm lạnh run cả người... Nhưng, chúng tôi luôn cố gắng làm tốt công việc của mình để thành phố này luôn xanh, sạch hơn”.

Anh Phan Văn Tiền, công nhân khâu kéo bạt, đã gắn bó với bãi rác hơn 6 năm

Vuốt nhanh giọt mồ hôi trên trán, anh Nguyễn Văn Năm (1964, người làm cùng khâu kéo bạt với anh Tiền) chen vô và chia sẻ: “Tui làm gần 10 năm rùi nè nhưng vẫn thích làm ở đây. Bởi nơi đây, ngoài đồng lương xứng đáng để có thể lo cho gia đình, con em của chúng tôi cũng được tặng quà, được lì xì dịp tết hay sách vở mùa tựu trường...; các cháu còn đến tham quan nơi cha mẹ chúng làm việc, được tham dự các chương trình giáo dục về bảo vệ môi trường, thiếu nhi… Hàng tháng công ty còn tổ chức sinh nhật đầy đủ cho anh em lao động”.

Anh Nguyễn Văn Năm đang dằn bê tông cho những tấm bạt khổng lồ không bị bay trước các cơn gió

Chiều dần tối và trong tiếng ồn ào của hàng chục xe rác đang tấp nập đổ về, tiếng động cơ gầm rù của những chiếc xe lu đầm rác và xe phun xịt chất khử mùi, chúng tôi giật mình khi nhìn thấy bóng dáng của người phụ nữ nhỏ bé đang lái chiếc xe lu nặng cả chục tấn. Đó là chị Nguyễn Thị Lệ Quyên (1993, ngụ ấp 2, xã Đa Phước), người phụ nữ nhỏ nhất và duy nhất ở đây làm các công việc của cánh đàn ông. Mỗi ngày 8 tiếng, ca sáng và ca chiều, chị Quyên vẫn hàng ngày cùng bao công nhân khác, bất kể tuổi tác, bất kể giới tính, mỗi người mỗi việc… lam lũ nhưng hạnh phúc với công việc trên đỉnh rác này.

Chị Quyên quá nhỏ bé trong chiếc xe lu khổng lồ

Lân la và trò chuyện với nhiều công nhân khác trên đỉnh rác, chúng tôi ghi nhận họ và gia đình đều đang sinh sống ở các quận/huyện: Bình Chánh, Nhà Bè, quận 7, quận 4 hay quận 8. Đây cũng chính là địa bàn ưu tiên tuyển dụng của VWS nhằm tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Nép mình bên ca-bin chiếc xe lu, chị Lệ Quyên chia sẻ: Đây là một công ty chuyên nghiệp, có tầm và có tâm, họ luôn chăm lo cho công nhân lao động, trả lương đầy đủ, quan tâm và chăm lo đến sự an toàn lao động và bảo hiểm sức khỏe rất tốt. Tôi may mắn được làm việc cho công ty này và tôi được học hỏi từ những người quản lý nước ngoài, họ luôn tận tình chỉ dẫn, huấn luyện tay nghề cho tôi trong thời gian qua.

Nhóm công nhân đang kéo bạt ngay sau khi rác được lu đầm, phun khử mùi

Trong tất cả những người chúng tôi trò chuyện đều bật lên rất rõ niềm vui, sự tự hào pha lẫn hạnh phúc khi làm ở đây. Bởi ít nhiều, họ cho rằng họ đã chung tay góp sức để thành phố này luôn sạch đẹp. Thế nhưng, họ cũng có những nỗi buồn của nghề nghiệp khi nghe được những thông tin từ báo chí và cho rằng: chính bãi rác Đa Phước này là một trong những nguyên nhân gây ra mùi hôi thối cho các khu vực lân cận.

Trực tiếp hỏi những công nhân về câu hỏi này, họ cho biết: có nhiều báo đài và một số người dân đã nói Khu xử lý rác Đa Phước gây ra mùi hôi thối. Từ dư luận này đã gây sức ép lên ban giám đốc công ty. Và dĩ nhiên, sức ép đó tiếp tục áp đặt lên vai chúng tôi vì chính chúng tôi là những người chịu trách nhiệm tiếp nhận và vận hành, xử lý khối lượng hơn 5.000 tấn rác/ngày. Điều đó là không đúng. Xin thưa, nếu làm ở đây quá hôi thối và quá mất vệ sinh thì những người công nhân chúng tôi phải là người kêu cứu đầu tiên. Hàng ngày (24/24 giờ) chúng tôi trực tiếp dầm mình trong khối rác khổng lồ để xử lý tốt nhất. Ban giám đốc và người quản lý (trong và ngoài nước) cũng làm việc tại văn phòng và chỉ cách bãi rác 50 mét, nếu có sự cố về môi trường hoặc mùi hôi thì ban giám đốc, chúng tôi và gia đình chúng tôi sẽ là những người nhận hậu quả đầu tiên.

Trời tối dần và chia tay, chúng tôi được họ gửi gắm theo: “Công việc của chúng tôi được huấn luyện, chỉ dẫn và được quản lý tốt, chặt chẽ bởi một đội ngũ chuyên gia quốc tế chuyên nghiệp. Bên cạnh chúng tôi còn có cả công nghệ, trang thiết bị để có thể tiếp nhận hơn 500 chuyến xe rác ra vào mỗi ngày một cách an toàn và đầy trách nhiệm. Xin hãy cho chúng tôi một cái nhìn công bằng. Chúng tôi rất vui với công việc tuy cực khổ vì dầm mình trong rác nhưng chúng tôi đã làm sạch đẹp cho thành phố và chúng tôi cần có sự đồng cảm để tinh thần được thoải mái và yên vui cùng gia đình sau một ngày làm việc mệt nhọc…”. 

Trò chuyện với công nhân Trương Văn Tài:

Tôi làm ở đây gần 10 năm. Mặc dù công việc khó khăn, vất vả, dầm mưa dãi nắng, không được nghỉ ngày lễ, tết và chưa một cái Tết nào tôi được đón giao thừa cùng gia đình. Nhưng bù lại, công ty có nhiều chính sách ưu đãi cho công nhân, như: lương cao và thưởng hằng năm, tết thiếu nhi cho con tôi, tặng tập sách vở, cặp táp và xe đạp cho cháu. Công ty còn khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho tôi.

Buồn vui của người công nhân trên đỉnh rác Đa Phước ảnh 6Anh Trương Văn Tài đã có 10 năm làm việc và thở trên đỉnh rác Đa Phước

Cạnh đó, công ty đã tạo nhiều điều kiện cho tôi thông qua các chương trình tập huấn an toàn lao động, chuyên gia Mỹ huấn luyện kỹ công việc, môi trường làm việc rất thân thiện, mọi người giúp đỡ nhau để hoàn thành tốt công việc của mình. Hàng năm, công ty tổ chức cho mọi người và gia đình đi nghỉ mát Long Hải, Vũng Tàu. Nhờ lương cao nên tôi đủ nuôi vợ và con ăn học.

Điều tôi trăn trở nhất là mặc dù công nhân chúng tôi vất vả trong việc xử lý rác để bảo vệ môi trường cho thành phố nhưng công sức của công nhân chúng tôi không được ghi nhận. Đơn cử như việc công ty bị cho là nơi phát tán mùi hôi. Nếu phát tán mùi hôi thì công nhân làm việc trực tiếp như tôi đã bị bệnh rồi chứ không khỏe mạnh như vậy. Vì vậy, chúng tôi rất mong được ghi nhận xứng đáng công sức đã bỏ ra trong việc xử lý rác, những người góp phần bảo vệ cho thành phố xanh - sạch - đẹp. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm