Bến Tre đắp đập ‘dã chiến’ ngăn mặn

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, hiện nước mặn xâm nhập trên các sông chính đang ở mức tương đương đợt hạn mặn lịch sử mùa khô năm 2015-2016. Dự báo độ mặn sẽ tiếp tục tăng cao và xâm nhập sâu trong tháng 2-2020; độ mặn 4‰ có khả năng xâm nhập cách các cửa sông khoảng 65-68 km, độ mặn 1‰ hầu như đã bao trùm toàn tỉnh Bến Tre.

Tạo tuyến kênh khép kín

Trên sông Ba Lai (ranh giới giữa cù lao Bảo và cù lao An Hóa) đã có hệ thống cống đập Ba Lai nhưng hệ thống sông này chưa được khép kín ở thượng nguồn. Do vậy, thời gian qua nước mặn từ sông Cửa Đại vẫn theo sông Giao Hòa, sông Hàm Luông và kênh Chẹt Sậy đổ vào khiến dòng sông Ba Lai bị nhiễm mặn nghiêm trọng.

Để đảm bảo nước ngọt phục vụ người dân và hoạt động cấp nước của các nhà máy nước, địa phương đã quyết định đắp đập tạm chặn dòng Ba Lai ngay khu vực gần cầu Ba Lai cũ. Đây là một trong những giải pháp cấp bách ứng phó xâm nhập mặn sau khi tỉnh có quyết định tình huống khẩn cấp do xâm nhập mặn.

Ông Nguyễn Văn Điền, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư, xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết việc đắp các đập tạm tạo hồ chứa nước trên sông Ba Lai chỉ là công trình tạm thời duy trì trong mùa hạn mặn năm 2020.

Theo ông Điền, công trình là một giải pháp tạo nguồn nước ngọt trên sông Ba Lai. Đập tạm này sẽ ngăn nước biển từ phía sông Giao Hòa chảy lên. Kết hợp chặn trên dòng sông Mã (đoạn từ sông Hàm Luông đi vào) và chặn dòng Ba Lai đoạn xã Tân Phú (huyện Châu Thành). Cùng với các công trình cống ngăn mặn khác thuộc dự án thủy lợi Bắc Bến Tre sẽ tạo tuyến kênh khép kín chứa hơn 1 tỉ m3 nước ngọt.

Thi công gấp đập tạm chặn dòng Ba Lai tạo hồ chứa nước ngọt. Ảnh: ĐÔNG HÀ

Hoàn thành đập tạm giữa tháng 2-2020

Theo Ban quản lý dự án đầu tư, xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh, việc đắp các đập tạm ngăn mặn giúp người dân trong vùng có nước ngọt sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đảm bảo cho các nhà máy nước có nguồn nước ngọt để cung cấp cho người dân. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và khép kín hồ chứa nước trên đoạn sông Ba Lai trong khoảng giữa tháng 2-2020.

Ông Trần Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre, cho biết hiện công ty có ba nhà máy nước, đó là Nhà máy nước An Hiệp (huyện Châu Thành), Nhà máy nước Sơn Đông (TP Bến Tre) và Nhà máy nước Hữu Định (xã Hữu Định, huyện Châu Thành). Các nhà máy nước mỗi ngày đêm cung cấp khoảng 70.000 m3 nước phục vụ trên 75.000 hộ dân ở TP Bến Tre, huyện Châu Thành và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

“Đến đầu tháng 2 này, độ mặn hiện thời trên sông Ba Lai cao hơn so với năm 2016. Trong khi tiêu chuẩn nước mặn cho phép nhà máy nước hoạt động là 0,45‰. Hiện tại độ mặn trên sông Ba Lai đã vượt quá xa tiêu chuẩn, không còn cách nào khác nhà máy nước buộc phải bơm nước nhiễm mặn để xử lý cung cấp cho người dân sử dụng” - ông Hùng nói.

Cống đập Ba Lai chắn ngang cửa sông Ba Lai được xây dựng năm 2000 và đưa vào sử dụng năm 2002 là dự án thủy lợi có quy mô lớn ở ĐBSCL. Dự án với mục tiêu ngăn mặn, trữ ngọt, tiêu chua, rửa phèn… phục vụ sản xuất cho trên 100.000 ha đất nông nghiệp và cung cấp nước ngọt cho hơn 600.000 dân của năm huyện Bình Đại, Châu Thành, Ba Trí, Giồng Trôm và TP Bến Tre.

Sau khi hoàn tất công trình cống đập Ba Lai, do các hạng mục khác chưa được xây dựng nên dự án chưa đồng bộ, chưa phát huy hiệu quả.

_____________________________

Tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo từ ngày 6 đến 10-2, khu vực Nam bộ khả năng có mưa trái mùa xuất hiện cục bộ ở một số địa phương ven biển. Độ mặn trên các sông Nam bộ có xu thế tăng dần. Trong tháng 2, tháng 3, tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức độ sâu hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Thời gian xâm nhập mặn cao nhất trên sông Cửu Long tập trung trong tháng 2, sông Vàm Cỏ, sông Cái Lớn vào tháng 3. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm