An Giang: Tỉ lệ thu gom rác đạt hơn 71%

Ngày 4-12, HĐND tỉnh An Giang tiếp tục kỳ họp thứ 18 với phiên chất vấn.

Trả lời chất vấn về thực trạng công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Việt Trí cho biết mỗi ngày tỉnh phát sinh khoảng 1.150 tấn rác nhưng chỉ thu gom và xử lý được khoảng 825 tấn/ngày (đạt 71,7%). Trong đó có khoảng 222 tấn/ngày được xử lý bằng phương pháp chôn lấp không hợp vệ sinh tại 25 bãi rác lộ thiên trên địa bàn các huyện. Lượng chất thải rắn còn lại chưa được thu gom (khoảng 325 tấn/ngày) được người dân thu gom và tự xử lý bằng cách chôn lấp tại vườn, đốt thủ công hoặc bỏ trực tiếp ra sông, ao, hồ và khu đất trống gần nhà. 

Ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang trả lời chất vấn.

Về công tác đóng lấp, xử lý triệt để các bãi rác ô nhiễm, ông Trí cho biết đã hoàn thành xử lý 6/9 bãi rác, 3 bãi rác còn lại đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án và có văn bản đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí thực hiện xử lý với tổng mức đầu tư hơn 40 tỉ đồng. Dự kiến dự án sẽ triển khai thực hiện hoàn thành trong năm 2022.

Đối với 25 bãi rác lộ thiên, chôn lấp không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường còn lại trên địa bàn tỉnh, Sở TNMT đã trình và được UBND tỉnh chấp thuận trình HĐND tỉnh phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư là 182 tỉ đồng. Dự kiến HĐND tỉnh sẽ xem xét thông qua trong kỳ họp cuối năm 2020 này và triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2024.

Để xử lý rác thải sinh hoạt trong thời gian tới, Sở phối hợp với Sở Xây dựng trình UBND tỉnh phê duyệt xây dựng Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2030, định hướng đến năm 2050. Sau khi đề án được duyệt Sở TN&MT sẽ tiếp tục lập Dự án nâng cao tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Song song đó tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư 05 dự án nhà máy xử lý chất thải rắn còn lại như đã nêu trên để đồng bộ với việc đóng 25 bãi rác lộ thiên, chôn lấp không hợp vệ sinh.

Cùng theo Giám đốc Sở TN&MT hiện lượng rác phát sinh ngày lớn hơn công suất 06 nhà máy xử lý chất thải rắn khoảng 780 tấn/ngày. Lượng rác dôi ra này cần bố trí thêm các nhà máy đốt rác công suất khoảng từ 30 tấn/ngày đến 50 tấn/ngày phân tán địa bàn phù hợp với khoảng cách thu gom. Do đó, cần quy hoạch tiếp tục mời gọi xã hội hoá đầu tư thêm.

Triển khai 6 nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt

Ông Nguyễn Việt Trí cho biết hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai ba dự án nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt do Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang làm chủ đầu tư. Trong đó Nhà máy xử lý chất thải rắn thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn) công suất 50 tấn/ngày, đã vận hành chính thức từ tháng 9-2020; Nhà máy xử lý chất thải rắn thị trấn Mỹ Luông (huyện Chợ Mới) công suất 100 tấn/ngày, đang xây dựng đạt khoảng 90%, dự kiến quý I-2021 đưa vào vận hành thử nghiệm. Còn lại lò đốt rác sinh hoạt xã Vĩnh Gia (huyện Tri Tôn), công suất 15 tấn/ngày, ngành chức năng đang tổ chức lựa chọn lại nhà cung cấp thiết bị lò đốt để đảm bảo xử lý khí thải đạt quy chuẩn môi trường theo quy định.

Ngoài ra còn có ba dự án nhà máy xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư: Dự án nhà máy xử lý chất thải rắn xã Bình Hoà, huyện Châu Thành, công suất 300 tấn/ngày đang triển khai, dự kiến đến đầu năm 2022 hoàn thành. Còn dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn thành phố Châu Đốc, công suất 195 tấn/ngày và dự án nhà máy xử lý chất thải rắn cụm Phú Tân, công suất 120 tấn/ngày đã được Sở Xây dựng phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và đang trong giai đoạn thương thảo hợp đồng với nhà thầu. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm