7 loại giấy phép bảo vệ môi trường thành 1 giấy

Sáng 4-9, hội nghị trực tuyến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách đã thảo luận về dự luật Bảo vệ môi trường (BVMT) (sửa đổi). Trong đó, nội dung tích hợp bảy loại giấy phép môi trường (GPMT) trong một giấy phép đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận.

Cắt giảm giấy phép môi trường

Tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết Ủy ban Thường vụ QH đã trình hai phương án liên quan GPMT.

Phương án 1 do Chính phủ trình: Chỉ dùng một loại GPMT, trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi. Giấy phép này thay thế bảy loại giấy tờ thủ tục hành chính cấp phép về môi trường.

Phương án 2: Vẫn có giấy phép “xả nước thải vào công trình thủy lợi” như đã được quy định trong Luật Thủy lợi.

Đồng tình, ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) nhấn mạnh nguyên tắc cấp giấy phép đều dựa trên đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Mặt khác, hiện nay việc phân cấp cấp phép vào công trình thủy lợi đang theo công trình chứ không theo quy mô, chưa tương thích với việc quản lý.

“Trên thực tế, việc xả thải vào các công trình thủy lợi chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ nên việc phân nhỏ cấp giấy phép là chưa phù hợp. Do đó, chỉ nên dùng một loại giấy phép thay thế bảy loại giấy tờ thủ tục hành chính về môi trường. Tuy nhiên, cần có quy định cụ thể từ xét duyệt ĐTM, cấp giấy phép đến hậu kiểm, đảm bảo thống nhất và không chồng chéo” - ĐB Lệ Thủy nói.

Ủng hộ quan điểm này, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nhấn mạnh: “Điều này giúp giảm thủ tục hành chính, đảm bảo tính thống nhất, rõ trách nhiệm cũng như tuân thủ những nguyên tắc về một cơ quan chịu trách nhiệm chính về việc này”.

Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương, các giấy phép xả thải vào nguồn nước và xả thải vào công trình thủy lợi đều dựa trên ĐTM, do vậy cần có cơ chế để đảm bảo tính minh bạch trong thực hiện nội dung này.

Nhiều đại biểu trong hội nghị ủng hộ việc tích hợp bảy giấy phép môi trường thành một. Ảnh: TRUNG ĐÌNH

Giảm phiền hà cho doanh nghiệp

Về các ý kiến thảo luận xoay quanh GPMT, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc tích hợp các loại thủ tục hành chính về môi trường và lĩnh vực liên quan trong một GPMT là “để đảm bảo quản lý chặt chẽ, thống nhất và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”.

Bộ TN&MT đã nghiên cứu để đưa các quy định đang rải rác, phân tán về BVMT trong các luật khác vào dự thảo luật BVMT lần này.

Dự thảo luật BVMT đã phân định nhiệm vụ của các cơ quan dựa trên nguyên tắc: “Một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và những việc liên quan đến nhiều cơ quan cùng thực hiện thì phải xác định rõ cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, thẩm quyền của cơ quan phối hợp, cơ chế phối hợp”.

Bảy loại giấy phép môi trường

Theo quy định của Luật BVMT 2014, Luật Tài nguyên nước 2012 và Luật Thủy lợi 2017, sau khi dự án được phê duyệt báo cáo ĐTM và trước khi vận hành chính thức, chủ dự án phải tiến hành nhiều thủ tục hành chính về môi trường và lĩnh vực liên quan. cụ thể:

Trong lĩnh vực BVMT có giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT, giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, giấy phép xử lý chất thải nguy hại, sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, giấy phép xả khí thải công nghiệp.

Trong lĩnh vực tài nguyên nước và thủy lợi có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (theo quy định tại Luật Tài nguyên nước), giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi (theo quy định tại Luật Thủy lợi). 

Theo ông Hà, thực tiễn cấp giấy phép, giấy xác nhận về BVMT, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi trong thời gian qua đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập.

Cụ thể, nội dung quản lý nước thải trong các giấy phép nêu trên là giống nhau, điều này dẫn đến một đối tượng xả nước thải hiện đang phải chịu hai loại thủ tục hành chính có nội dung tương đồng. Việc quy định nhiều cơ quan cấp phép xả thải sẽ gây chồng chéo, không rõ trách nhiệm của các cơ quan này.

“Quy định tích hợp các loại giấy phép, giấy xác nhận về BVMT hiện hành với các loại giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xả nước thải vào công trình thủy lợi bằng một giấy phép là hết sức cần thiết” - ông Hà nói.

Dự án loại nào phải làm ĐTM?

Việc phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường và ĐTM cũng là nội dung đáng chú ý trong hội thảo.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, cho hay Ủy ban Thường vụ QH cũng đưa ra hai phương án để lấy ý kiến.

Phương án 1 (như Chính phủ trình): Cơ bản quy định này dựa trên phân loại dự án theo Luật Đầu tư công để xác định đối tượng dự án đầu tư công phải đánh giá sơ bộ tác động đến môi trường (bao gồm các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C, có cấu phần xây dựng thuộc loại hình công nghiệp, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường).

Phương án 2: Tiếp thu, chỉnh lý để phù hợp với phân loại dự án theo tiêu chí về môi trường, quy định dựa trên cơ sở phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường và quy định chỉ các dự án thuộc nhóm I (nhóm có tác động môi trường ở mức độ cao) mới là đối tượng phải thực hiện.

Các ý kiến tại hội nghị đa phần đồng tình với phương án 2. Điển hình, ĐB Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) cho rằng cách tiếp cận của phương án này phù hợp với bản chất của vấn đề.

“Tuy nhiên, tiêu chí phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường khác với quy định tại Luật Đầu tư công nên cần chỉ rõ những quy định nào của Luật Đầu tư công cần phải chuyển đổi để phù hợp với phương án này” - ĐB Mai Phương nói.

Theo đó, bà Phương đề nghị lấy ý kiến về phương án này trước khi trình kỳ họp QH thứ 10 xem xét thông qua. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm