Loạt bài: Gỡ vướng cấp phép xây dựng cho hộ dân dọc metro 2 - Bài 2

Metro và bài toán quy hoạch đô thị

Các chuyên gia cho rằng việc tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) sau khi giải phóng mặt bằng (GPMB) thì xuất hiện nhiều căn nhà “siêu mỏng”, “siêu nhỏ” nằm dọc trên tuyến là vấn đề rất đáng lưu tâm. Bởi tình trạng này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân có nhà bị giải tỏa mà còn làm mất mỹ quan đô thị.

Do đó, bài toán quy hoạch đô thị là điều cần phải thực hiện khi bắt đầu triển khai một dự án giao thông, đặc biệt đối với các tuyến metro.

Nên triển khai theo mô hình TOD

Nhiều chuyên gia giao thông cho biết các nước trên thế giới đã triển khai mô hình TOD (Transit Oriented Development - phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng).

Tuy nhiên, tuyến metro số 1 đã bị bỏ lỡ việc triển khai mô hình TOD, tuyến metro số 2 cũng chưa được triển khai theo mô hình này.

Sau khi giải tỏa mặt bằng, dọc tuyến metro số 2 xuất hiện nhiều căn nhà
“siêu mỏng”. Ảnh: ĐÀO TRANG

Kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, nhấn mạnh: Các đơn vị cần rút kinh nghiệm từ tuyến metro số 1. Chúng ta không nên bỏ lỡ làm quy hoạch đối với bất kỳ dự án, tuyến giao thông mới nào. Tuy nhiên, theo như tình hình hiện nay, chúng ta lại một lần nữa bỏ qua việc quy hoạch đô thị quanh tuyến metro số 2.

Ông Sơn cho rằng hiện chúng ta không khai thác hiệu quả quỹ đất dọc tuyến metro, mà lẽ ra cơ quan chức năng làm tốt thì có thể có một nguồn lợi lớn làm vốn xây dựng tuyến giao thông quan trọng này.

“Ít nhất chúng ta cần làm quy hoạch dọc tuyến metro với bán kính 500-1.000 m. Đó cũng chính là phương án chỉnh trang đô thị và nguồn thu ngân sách để xây dựng tuyến giao thông này. Chúng ta cần rút kinh nghiệm để không xảy ra tình trạng này đối với các tuyến metro tiếp theo” - KTS Nam Sơn góp ý.

Ông Sơn lý giải: Không chỉ các tuyến metro mà hiện nay các dự án giao thông khác cũng chỉ lo làm đường mà không chú ý làm quy hoạch, chưa thực hiện chỉnh trang đô thị, thiếu tính tổng thể. Từ đó, các ngôi nhà “siêu mỏng”, xấu xí, nhấp nhổm lại là những căn nhà mặt tiền trên các tuyến đường mới.

Theo ông Sơn, để khai thác hiệu quả quỹ đất, UBND TP cần giao cho bốn sở, ngành gồm Sở GTVT, Sở Tài chính, Sở QH-KT, Sở Xây dựng kết hợp đưa ra một quy hoạch tổng thể để mang đến kiến trúc hoàn chỉnh nhất cho dự án.

Quy hoạch quanh metro rất quan trọng

KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh: Quy hoạch một tuyến đường giao thông đã quan trọng, song quy hoạch xung quanh các tuyến metro lại càng quan trọng hơn.

Do đó, quy hoạch TOD để phát triển giao thông công cộng cần chú trọng ngay từ bây giờ. Trong đó mở rộng, giải tỏa mặt bằng cần xóa ngay các căn nhà siêu mỏng hiện hữu, đấu giá những miếng đất đủ lớn để kêu gọi đầu tư. Đây chính là nguồn vốn để xây dựng chính tuyến metro này hoặc các tuyến metro khác.

“Nếu chúng ta không làm thì chẳng khác gì có tiền mà chúng ta không lấy. Trong khi đó, chúng ta luôn than không có tiền và nếu không có sự chuẩn bị thì tuyến metro vừa phải bù lỗ để vận hành tuyến, vừa không có hành khách sử dụng” - KTS Nam Sơn góp ý.

Tại Hội thảo quy hoạch phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng (TOD) do ĐH Việt Đức tổ chức, các chuyên gia cho biết: TOD là mô hình gắn liền với việc phát triển các phương tiện vận tải hành khách công cộng, nhất là đối với đường sắt đô thị. Phát triển giao thông công cộng theo mô hình này sẽ hạn chế ùn tắc giao thông, phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, mang lại nhiều lợi ích cho người dân.

Vì khan hiếm đất đai và xu hướng định cư tập trung với mật độ cao, nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Brazil, Singapore… đã áp dụng mô hình này để khuyến khích giao thông công cộng.

Tương tự, ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc nghiên cứu giao thông vận tải Trường ĐH Việt Đức, cho rằng về mặt lý thuyết, khi xây dựng một tuyến metro thì Nhà nước cần tính toán tới việc GPMB rộng hơn tuyến. Từ đó, chúng ta có thể phát triển các khu chức năng, thu hút người dân tới mua sắm, làm việc xung quanh các tuyến metro.

Nếu chúng ta làm được điều này thì sẽ không có tình trạng nhà siêu mỏng như hiện nay. Nhà nước xây dựng tuyến metro mà có quy hoạch thì khả năng tiếp cận của người dân với metro sẽ thuận lợi, giá trị đất sẽ tăng lên, song nhiều năm nay Nhà nước chưa khai thác được khoản lợi nhuận này.

TS Vũ Anh Tuấn cũng giải thích: Nếu GPMB ngoài ranh giới thì Nhà nước lại làm sai. Theo đó, Nhà nước cần có quy định đặc thù cho phát triển đường sắt đô thị, cho phép GPMB rộng hơn ranh tuyến thì mới phát triển giao thông theo mô hình TOD được.

Nếu chúng ta không phát triển giao thông theo mô hình TOD, không phát triển theo định hướng quy hoạch đô thị thì Nhà nước sẽ không đủ tiền để phát triển các tuyến metro mới. Thậm chí, lượng khách đi metro không cao, tiền thu từ vé không đủ cho chi phí vận hành và TP phải bù lỗ. Lúc này, TP có thể sẽ phải bù lỗ cực lớn và không đủ khả năng phát triển các tuyến metro khác. Mặt trái, việc phát triển giao thông cá nhân sẽ tiếp tục tăng cao và giao thông công cộng sẽ không đạt hiệu quả.

“Theo đó, muốn phát triển metro một cách mạnh mẽ, hiệu quả, bền vững thì cần thay đổi cách quy hoạch và phát triển dự án. Quy hoạch metro phải đi kèm với quy hoạch phát triển đô thị. Lập quy hoạch đô thị dọc hành lang và bán đấu giá phát triển. Từ đó lấy nguồn tiền đấu giá đó để tạo nguồn quỹ xây dựng các tuyến metro mới. Nếu phát triển metro không đi kèm phát triển đô thị thì 30 năm nữa cũng chỉ phát triển được ba tuyến metro” - TS Vũ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Chắc chắn phải thực hiện TOD cho những tuyến metro mới

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Ban quản lý dự án 2 (tuyến metro số 2), cho biết UBND TP cũng chú trọng phát triển quy hoạch đô thị xung quanh tuyến metro.

Cụ thể, tháng 6-2019, trong cuộc họp với tổ công tác đầu tư, chủ tịch UBND TP đã có chỉ đạo giao Sở QH-KT TP phối hợp với MAUR và các đơn vị liên quan để điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/2.000 cho diện tích đất trong phạm vi bán kính 500-1.000 m xung quanh các nhà ga tuyến metro số 2.

Hiện nay, Sở QH-KT đang cùng với Sở TN&MT, UBND các quận dọc tuyến tiến hành rà soát và phân loại quỹ đất trong diện tích nói trên.

Đối với tuyến metro số 3a và tuyến metro số 5 cũng như tất cả tuyến metro còn lại, chủ trương quy hoạch, phát triển đô thị theo định hướng TOD chắc chắn phải được thực hiện.

Cụ thể, dự án tuyến metro 3a, năm 2016, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã thực hiện một nghiên cứu độc lập về vấn đề này. Với dự án tuyến metro số 5 giai đoạn 2, hiện MAUR đã ký biên bản ghi nhớ tiếp nhận tài trợ dự án hỗ trợ kỹ thuật với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Cơ quan này sẽ triển khai nghiên cứu và dự kiến kết quả sẽ được phía Hàn Quốc bàn giao cho MAUR vào cuối năm 2021.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm