Mai đây, gần lại đồng bằng sông Cửu Long

“Từ TP.HCM đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), chúng tôi cảm thấy như gần lại nhờ hệ thống giao thông mới mở ra ngày càng nhiều” - ông Vĩnh Phúc, một Việt kiều về quê ăn Tết Mậu Tuất, nhận xét. Sự lột xác của hệ thống hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL không chỉ được cảm nhận qua những người đi xa mới về mà còn qua những người dân sở tại. Đó là thời gian qua, hàng loạt công trình giao thông đã hoàn thành như các cầu Cần Thơ, Hàm Luông, Rạch Miễu, Cổ Chiên, Năm Căn, Đầm Cùng, Mỹ Lợi; các tuyến quốc lộ 1A, Nam sông Hậu, Quản Lộ-Phụng Hiệp, quốc lộ 91, 91B…

Nối miền Đông với miền Tây

Theo Bộ GTVT, năm 2018 vùng ĐBSCL sẽ có thêm hàng loạt dự án cầu, đường quan trọng được hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Cụ thể, bắc qua sông Tiền và sông Hậu, ngoài hai cầu Mỹ Thuận và Cần Thơ hiện hữu, sắp tới sẽ khánh thành cầu Cao Lãnh (bắc qua sông Tiền, nối TP Cao Lãnh và huyện Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp), cầu Vàm Cống (bắc qua sông Hậu, nối quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ với huyện Lấp Vò, Đồng Tháp).

Đồng thời, dự án tuyến nối N2 (xuyên qua Đồng Tháp Mười, nối tỉnh Long An và Đồng Tháp) và tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi (nối TP Cần Thơ với Kiên Giang) cũng đang khẩn trương thi công để kịp hoàn tất, thông xe.

Những công trình trên là các hợp phần của dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông, góp phần hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông cho ĐBSCL. Đặc biệt, qua đó sẽ rút ngắn khoảng cách đi lại giữa các tỉnh Kiên Giang, An Giang. Trong đó, chỉ riêng khu vực phía Bắc TP Cần Thơ như quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh sau khi cầu Vàm Cống và Cao Lãnh thông xe thì đi TP.HCM sẽ rút ngắn được quãng đường 40 km.

Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu hợp long hồi tháng 9-2017, dự kiến sẽ khánh thành, thông xe trong quý I-2018. Ảnh: G.TUỆ

Theo đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, Bộ GTVT (đơn vị chủ đầu tư), cầu Cao Lãnh và Vàm Cống sẽ cùng tuyến lộ N2, tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi hình thành một trục dọc thứ hai bên cạnh quốc lộ 1 từ TP.HCM đi các tỉnh Tây Nam bộ. Hiện các cầu Cao lãnh, Vàm Cống đã hợp long, sẽ đưa vào sử dụng trong quý I-2018. Các tuyến N2, Lộ Tẻ-Rạch Sỏi cũng đang ở giai đoạn cuối.

27 là số dự án quan trọng, cấp bách đầu tư tại ĐBSCL giai đoạn 2017-2020 với tổng kinh phí đầu tư hơn 67.300 tỉ đồng, theo Bộ GTVT. Hiện Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung vốn của kế hoạch trung hạn 2016-2020 từ nguồn trái phiếu chính phủ để triển khai 17 dự án với tổng mức đầu tư hơn 22.600 tỉ đồng. Đồng thời, xúc tiến kêu gọi nguồn vốn ODA đầu tư sáu dự án với tổng mức đầu tư gần 35.000 tỉ đồng và kêu gọi đầu tư bốn dự án với tổng mức đầu tư gần 9.700 tỉ đồng. 

Nối Việt Nam-Campuchia-Thái Lan

Ngoài dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mê Kông, Bộ GTVT đã và đang triển khai thực hiện hàng loạt dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, cấp bách tại vùng ĐBSCL. Đến nay đã có một số dự án hoàn thành, các dự án còn lại đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng như dự án xây dựng tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận; dự án đường hành lang ven biển phía Nam; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn-Đất Mũi...

Dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận dài 51,1 km, có tổng vốn đầu tư hơn 9.600 tỉ đồng. Sau một thời gian dự án bị gián đoạn do nhà đầu tư gặp khó khăn về nguồn vốn tín dụng, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, cuối tháng 8-2017, tuyến cao tốc nằm trọn trong địa phận tỉnh Tiền Giang đã tiếp tục được triển khai.

Dự án đường hành lang ven biển phía Nam được xây dựng nối ba nước Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Tại Việt Nam, dự án này đi qua hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau với tổng chiều dài 220 km. Tổng số vốn đầu tư của dự án thuộc hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau khoảng 440 triệu USD, phân kỳ thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 từ TP Rạch Giá đến TP Cà Mau đã chính thức thông xe từ tháng 2-2015. Giai đoạn 2 với chiều dài 100,26 km gồm các cấu phần: tuyến Rạch Giá-Hà Tiên, cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, cầu Hà Tiên và đường đầu cầu (cầu Đông Hồ trước đây).

Cận cảnh một số công trình

Tuyến đường N2 có chiều dài trên 440 km, nối quốc lộ 22 và quốc lộ 30 xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười. Tuyến đường này còn là một phần của đường Hồ Chí Minh kéo dài từ Chơn Thành (Bình Phước) đến Vàm Rầy (Kiên Giang) dài khoảng 280 km và kết thúc tại đất mũi Cà Mau. Với tuyến N2, phương tiện giao thông từ các tỉnh miền Đông, Tây Nguyên khi về đến TP.HCM theo quốc lộ 1 rẽ vào quốc lộ 22, đi vào tuyến N2 về các tỉnh miền Tây sẽ góp phần giảm mật độ giao thông trên quốc lộ1…

Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi được khởi công tháng 1-2016, có điểm đầu tiếp nối với dự án cầu Vàm Cống (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ); điểm cuối nối vào tuyến tránh Rạch Giá (huyện Châu Thành, Kiên Giang). Dự án có tổng mức đầu tư gần 6.700 tỉ đồng. Đây là tuyến đường quan trọng có chức năng kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh khác của tứ giác Long Xuyên.

Các dự án dự kiến đầu tư giai đoạn 2017-2020

- Xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn nối hai tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu.

- Mở rộng quốc lộ 1 đoạn TP Cà Mau đến thị trấn Năm Căn; xây dựng tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP Long Xuyên.

- Cải tạo và nâng cấp hàng loạt quốc lộ: quốc lộ 57 (nối Vĩnh Long và Bến Tre); quốc lộ 53 (Trà Vinh); quốc lộ 91 (TP Cần Thơ); quốc lộ 91C (An Giang); quốc lộ 62 (Long An); quốc lộ 60 (qua Trà Vinh và Sóc Trăng); quốc lộ 30 (Đồng Tháp).

- Xây dựng, nâng cấp tuyến N1 qua các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang.

- Xây cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi, cầu Châu Đốc…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm