Lý do xe công nghệ phải trả 25.000 đồng và lên lầu đón khách

Từ ngày 14-11, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (sân bay TSN) đã phối hợp với các đơn vị chức năng chính thức triển khai phương án phân làn, hướng lưu thông dành cho người, xe đưa/đón hành khách tại ga quốc nội.
Tuy nhiên, sau bốn ngày triển khai, bên cạnh những lợi ích đạt được, nhiều ý kiến cho rằng phương án phân làn này có nhiều bất cập cho tài xế xe công nghệ và hành khách đặt xe.

Hành khách phải lên lầu 3 nhà để xe TCP để đón xe công nghệ. Ảnh: ĐÀO TRANG

Giải tỏa ùn tắc cục bộ

Theo phương án phân làn: Làn A dành cho xe đưa khách đi máy bay, hai làn B và C dành cho các xe đón khách nhưng không kinh doanh vận tải (xe gia đình, cá nhân). Còn làn D dành cho xe taxi, xe kinh doanh vận tải đón khách.
Theo quan sát của PV tại sân bay TSN, trong khi ba làn A, B, C rất thông thoáng thì làn D (trong nhà xe TCP) lại khá bận rộn vì một lượng lớn hành khách rời cảng đổ dồn về đây để đón taxi, xe công nghệ.
Điều đáng nói, nhiều tài xế xe công nghệ cho biết không vào được làn D (theo phương án phân làn) để đón khách mà được hướng dẫn chạy lên lầu 3, 4, 5 của nhà xe TCP. Việc này gây khó khăn cho việc hướng dẫn khách tìm được xe đã đặt. Bên cạnh đó, khi vào nhà xe thì họ phải trả phí gửi xe là 25.000 đồng.
Nhiều hành khách ở sân bay TSN cũng phàn nàn khi bắt taxi thì phải đi ra làn D thay vì làn A như trước đây. Còn đón xe công nghệ thì thậm chí phải chờ thang máy lên lầu 3, 4, 5 của nhà xe, mà thang máy thì luôn quá tải nên họ phải ôm hành lý leo thang bộ. Chưa hết, trừ chi phí hiển thị trên app, hành khách phải trả thêm 25.000 phí gửi xe.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Vũ Cường, Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế TSN, lý giải: Phương án phân làn lưu thông này nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo an toàn giao thông và thuận tiện lưu thông tại sân bay. Lâu nay khu vực sảnh cả ga đi/đến đều luôn tắc nghẽn, xe ra vào đưa/đón khách lộn xộn.
Ông Cường cho biết thêm, điểm gây tắc nghẽn nhiều nhất là ở làn A. Nguyên nhân là do phần lớn ô tô cá nhân, taxi và số nhiều xe công nghệ đưa/đón khách cùng tập trung dồn vào sảnh chính nhà ga. Từ đó, đơn vị xây dựng phương án phân làn như trên để chia nhỏ các loại xe vào đưa/đón khách tại ga quốc nội.
Sẵn sàng hợp tác với xe công nghệ
Nói về việc nhiều tài xế xe công nghệ than phiền vì phải vào nhà gửi xe đón khách, ông Phạm Vũ Cường thông tin: Lâu nay các đơn vị kinh doanh vận tải phải ký kết nhượng quyền khai thác tại cảng. Những đơn vị này đã được đơn vị bố trí khu vực tập kết xe và làn riêng để điều tiết xe ra/vào cảng đón khách. Các xe đón khách tại cảng đều có đăng ký số lượng, tăng/giảm theo lúc cao điểm, thấp điểm để cảng chủ động bố trí lực lượng điều tiết và kiểm soát.
Ngược lại, thời gian qua loại hình xe công nghệ lại khá thoải mái đưa/đón tại làn A gây tắc nghẽn và không công bằng cho các đơn vị ký kết nhượng quyền khai thác tại cảng.
“Ngoại trừ hãng xe công nghệ BeCar có đặt vấn đề khai thác nhượng quyền với cảng, còn lại chưa có hãng xe công nghệ nào đặt vấn đề. Nếu các hãng xe công nghệ khác đặt vấn đề nghiêm túc, chúng tôi sẽ tính toán, bố trí làn đưa/đón bình đẳng như các loại hình vận tải khác đang hoạt động tại cảng” - ông Cường nói.
Ông Cường cũng cho hay về phản ánh của tài xế xe công nghệ và hành khách, phía sân bay sẽ tiếp thu, ghi nhận và sẽ tính toán phương án đi lại thuận tiện, công bằng cho các đối tác cùng hoạt động.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện hãng GrabCar cho biết đơn vị ủng hộ phương án phân làn nội bộ tại sân bay. Hãng đã gửi thông báo đến các tài xế về phương án phân làn tại nhà ga, đồng thời cũng hướng dẫn khách vị trí đón xe tại các tầng 3, 4 và 5 của nhà gửi xe.
“Tuy nhiên, về lâu dài, để thuận tiện cho khách đón xe và tài xế dễ dàng tiếp cận khách hàng, hãng sẽ liên hệ các cơ quan chức năng, sân bay TSN tìm giải pháp hợp lý để tháo gỡ, hợp tác lâu dài” - đại diện GrabCar nói.
Về vấn đề vào làn D đón khách, ô tô 4-8 chỗ phải trả tiền vé 25.000 đồng, phía nhà gửi xe TCP cho hay: Phía nhà xe chỉ có chức năng đảm bảo hạ tầng để các xe đến đây gửi và đảm bảo công tác an toàn, trật tự trong nhà xe. Do vậy, nhà xe sẽ thu phí bất cứ xe nào vào đây.•

Một năm chi 5-7 tỉ đồng phí nhượng quyền

 Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, Phó Giám đốc Vinasun, cho biết hiện nay Công ty Vinasun phải chi trả 5-7 tỉ đồng phí nhượng quyền khai thác cho sân bay TSN, trong khi các hãng xe công nghệ khác không phải nộp phí này.
Tuy nhiên, dù Vinasun phải đóng một khoản tiền lớn cho phí nhượng quyền như trên và phải xếp tài đón khách, song lượng khách đón được thì rất thấp vì chịu sự cạnh tranh lớn với xe công nghệ. Như vậy, giữa các doanh nghiệp đã có sự công bằng, nếu các hãng xe công nghệ đòi sự công bằng thì nên tham gia nộp phí nhượng quyền cho cảng.
Ông Hỷ cũng cho hay hiện nay có rất nhiều hãng xe công nghệ núp bóng xe gia đình tham gia đón/trả khách ở tất cả các làn, làm tình hình giao thông trở nên rối loạn, mất trật tự. Việc Sở GTVT phân luồng giao thông như hiện nay là hợp lý, tình hình giao thông ở sân bay đã ổn định hơn.
“Sau phân luồng giao thông, trật tự giao thông ổn định và các hãng có sự cạnh tranh công bằng, vấn đề còn lại là ở khách hàng. Nếu khách hàng muốn đi xe taxi thì có thể tới làn D, xe gia đình thì ở làn A, B và nếu khách hàng muốn đi xe công nghệ thì lên nhà xe. Xe công nghệ giá rẻ hơn, song khách hàng cũng phải chịu một khoản phí đậu xe và tất nhiên khách hàng sẽ phải vất vả hơn” - ông Hỷ cho biết.
Theo ông Hỷ, hiện nay đã có một số hãng xe công nghệ tham gia phí nhượng quyền, các hãng còn lại cũng nên tham gia để tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp. ĐÀO TRANG

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

(PLO)- Giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại tour, trong khi không ít người dân quyết định không đi du lịch hoặc thay đổi hình thức di chuyển.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.