Lý do làm dự án 4.800 tỉ để kéo điện ra Côn Đảo

Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương đầu tư cấp điện cho huyện Côn Đảo. Đồng thời, Thủ tướng giao Bộ Công Thương đề xuất phương án cụ thể về cấp điện cho huyện này.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề xuất phương án cấp điện cho huyện Côn Đảo bằng điện lưới quốc gia. Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Tuy nhiên, đối với chủ trương trên, nhiều ý kiến thắc mắc tại sao phải kéo điện ra đảo mà không sử dụng nguồn năng lượng tự nhiên (điện gió, điện năng lượng mặt trời)?

Ý kiến trái chiều

Ông PMV, một độc giả trên mạng xã hội, cho rằng đây là một dự án có thể nói là bất khả thi. Còn nhiều giải pháp khác thay thế và kinh phí đầu tư cho dự án này là quá khủng khiếp.

Theo ông V., huyện Côn Đảo chỉ có khoảng 11.000 người, ở vị trí địa lý quanh năm chỉ nắng và gió. Trong khi đất liền Việt Nam đang triển khai các dự án như điện gió, năng lượng mặt trời và những nguồn năng lượng này mới là giải pháp lâu dài, an toàn, hiệu quả nhất” - ông V. nhấn mạnh.

Ngược lại, anh Lê Viết Hải, một độc giả trên mạng xã hội, cho rằng không thể phát triển điện mặt trời ở Côn Đảo thay thế điện lưới quốc gia được.

Theo anh Hải, 99,9% điện mặt trời ở Việt Nam là loại không tích trữ được. Bên cạnh đó, nguồn năng lượng sạch cơ bản không ổn định, những ngày mưa bão có thể sẽ không có điện.

“Do đó bắt buộc phải có điện truyền thống ổn định và cũng không một quốc gia nào trên thế giới dám để điện tái tạo (gió, mặt trời) chiếm 100% hệ thống” - ông Hải nêu ý kiến.

Cần so sánh nguồn cung cấp điện

GS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, cho biết những đảo gần chúng ta thường kết nối với lưới điện quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng và đảm bảo cung cấp điện cho người dân. Song trước khi triển khai, chúng ta cần so sánh các nguồn cung cấp điện để vừa khai thác được năng lượng sạch, vừa sử dụng nguồn điện quốc gia để đảm bảo điện.

“Khi Chính phủ đồng ý cấp điện cho Côn Đảo thì chắc hẳn đã có đơn vị nghiên cứu, tư vấn để đưa ra các giải pháp ưu việt nhất khi thực hiện” - GS Long nhấn mạnh.

Tuy nhiên, GS Long cũng băn khoăn về lưới điện quốc gia từ đất liền ra đảo thì hơi xa nên cần tính toán thật chi tiết. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần tính toán bao nhiêu khách du lịch, bao nhiêu dân bản địa … để tính toán việc kéo lưới điện quốc gia cho hợp lý.

PGS-TS Võ Viết Cường, Khoa điện - điện tử, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhận định bất kỳ một dự án điện nào cũng cần kết hợp giữa nguồn năng lượng sạch và lưới điện quốc gia.

“Chúng ta không thể nào sử dụng 100% các nguồn năng lượng sạch như điện mặt trời hay năng lượng gió mà cần kết hợp hài hòa giữa các nguồn năng lượng này. Trong đó chúng ta cần phải sử dụng điện lưới quốc gia, cần có số liệu đầu tư, tính toán chi tiết và có sự bàn luận, tham vấn của các chuyên gia về ngành điện. Từ đó sẽ đưa ra các phản biện xã hội có chất lượng” - PGS-TS Cường phân tích.

Theo TS Cường, điện mặt trời hay điện gió cũng chỉ là nguồn năng lượng bổ trợ cho lưới điện quốc gia. “Do đó, việc kéo lưới điện ra Côn Đảo là cần thiết và việc đơn vị đầu tư cần làm là tính toán tỉ trọng giữa điện năng lượng tái tạo và lưới điện quốc gia” - PGS-TS Cường nhấn mạnh.

Đã tính toán các phương án cấp điện cho Côn Đảo

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT, cho rằng: Nhằm phát triển Côn Đảo thành khu kinh tế du lịch hiện đại, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế theo quy hoạch được duyệt cần thiết phải đầu tư hạ tầng trên địa bàn huyện Côn Đảo, nhất là cấp điện.

“Từ thực tế này, tỉnh đã họp thống nhất, phối hợp cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khảo sát thực tế để có những số liệu cụ thể trước khi đề xuất phương án cấp điện cho huyện Côn Đảo bằng điện lưới quốc gia” - ông Thọ thông tin.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho hay: Bộ Công Thương cũng đã tính toán các phương án cấp điện tại huyện Côn Đảo. Nhiều khảo sát cho thấy phương án cấp điện đảm bảo chắc chắn, độ tin cậy cao là dùng cáp vượt biển đấu nối vào hệ thống điện trên đất liền thuộc hệ thống điện quốc gia.

Nếu chúng ta chọn phương án sử dụng điện gió, điện mặt trời sẽ không đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục. Điện gió, điện mặt trời có nhiều yếu tố bất định vì phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, khí hậu khá mạnh.

“Đơn cử như với điện mặt trời, khi công suất đang ở 100% mà gặp mưa hay về đêm, công suất có thể sụt giảm về 0%. Tương tự, điện gió cũng vậy, những lúc không có gió thì cũng không thể phát điện. Với đặc điểm trên, điện mặt trời, điện gió chỉ có thể thêm vào để bù đắp sản lượng điện trong hệ thống điện chứ không thể thay thế các nguồn cơ bản như thủy điện hay điện khí, điện than được” - ông Dũng phân tích.

Phương án cung cấp điện cho Côn Đảo được lựa chọn trên cơ sở xem xét các yêu cầu: Cung ứng điện ổn định liên tục, bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia, an toàn môi trường, giảm thiểu tiếng ồn và ô nhiễm do khí thải.

Tháng 9-2020, EVN đưa ra năm phương án, trong đó ba phương án cấp điện bằng điện lưới quốc gia; hai phương án cấp điện bằng nguồn điện tại chỗ sử dụng khí hóa lỏng (LNG) và dầu diesel (DO) hoặc dầu nặng (HFO).

Đối với giải pháp cấp điện bằng nguồn điện lưới quốc gia sẽ đáp ứng được các yêu cầu về cung cấp điện ổn định, lâu dài, bảo đảm môi trường mặc dù chi phí đầu tư lớn. Trong khi điện mặt trời chiếm quỹ đất khá lớn (1 MW/1,2 ha đất). Trong khi Côn Đảo hiện nay quỹ đất còn lại để đầu tư phát triển là rất hạn chế... Bên cạnh đó, các nhà đầu tư khi tính đến hiệu quả đầu tư các dự án năng lượng tại Côn Đảo cũng khá e ngại vì hiệu quả kinh tế không cao.

Ông NGUYỄN VĂN ĐỒNG, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh BR-VT

Tính đến tháng 8-2020, nguồn điện diesel tại chỗ của Côn Đảo chỉ đạt tổng công suất 11,82 MW (công suất khả dụng là 9,6 MW), thiếu hụt so với nhu cầu 6,8 MW. Do đó, các khách hàng lớn của Điện lực Côn Đảo phải đầu tư thêm máy phát điện để tự cung cấp điện. Hiện nay, mỗi năm ngành điện Côn Đảo phải bù lỗ hơn 100 tỉ đồng bởi giá thu tiền điện ở đảo bằng đất liền nhưng việc chạy máy dầu phát điện rất tốn kém…

Qua nghiên cứu, phân tích đánh giá, so sánh ưu, nhược điểm của các phương án, UBND tỉnh BR-VT thấy giải pháp cấp điện bằng lưới điện quốc gia (đầu tư dự án xây dựng tuyến cáp ngầm từ Sóc Trăng ra Côn Đảo, cáp ngầm dài khoảng 78 km) là hiệu quả nhất.

Ông NGUYỄN PHƯỚC THẠNH, Trưởng phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương tỉnh BR-VT 

4.800 tỉ đồng thực hiện dự án

Trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết: Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh BR-VT đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Trong đó, dự báo nhu cầu điện cho huyện Côn Đảo đến năm 2025 là 21 MW, năm 2030 là 33,3 MW và đến năm 2035 là 46,4 MW. Trong khi đó, hiện nay nguồn điện cấp bằng diesel cho Côn Đảo có tổng công suất đạt 11,82 MW.

Theo thống kê từ EVN, đến nay có 2.368 khách hàng sử dụng điện trên địa bàn huyện Côn Đảo với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm hằng năm lớn (tốc độ tăng trưởng năm 2019 so với năm 2018 là 22%). Theo đó, việc cung cấp điện an toàn, ổn định và liên tục cho nhân dân huyện đảo Côn Đảo gặp nhiều khó khăn. Do đó, thực hiện đầu tư cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo (BR-VT) giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035 là cần thiết.

Bên cạnh đó, khi nghiên cứu, Bộ Công Thương cũng chú ý đến vấn đề an ninh, quốc phòng, đời sống xã hội trên đảo. Bộ tính toán sơ bộ ban đầu, tổng vốn dự kiến để thực hiện dự án là 4.800 tỉ đồng. Dự án có chiều dài 18 km đường dây đi trên đất liền, biển cạn từ Sóc Trăng và 78 km cáp ngầm xuyên biển. Nguồn vốn để thực hiện dự án sẽ theo cơ chế đầu tư công.

Bộ Công Thương đang xin ý kiến Thủ tướng cơ chế thực hiện theo chương trình cấp điện cho nông thôn, miền núi và hải đảo. Đặc biệt, Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng sẵn sàng tài trợ nguồn vốn cho những dự án như thế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm