Lý do các app giao đồ ăn tạm ngừng hoạt động

Ngày 9-7, hoạt động giao đồ ăn theo hình thức đặt qua app ở TP.HCM đã thông báo tạm ngừng hoạt động. Giao đồ ăn cũng là một hình thức giao hàng và một số người dân TP.HCM tỏ ra bất ngờ khi các app giao đồ ăn thông báo tạm ngừng hoạt động nhứ Grab, Beamin, Now…

Cụ thể, Grab đã phát đi thông báo: Nhằm chung tay phòng chống dịch COVID-19 và thực hiện theo Công văn số 2279/UBND-VX của UBND TP.HCM ban hành ngày 8-7, Grab sẽ tạm ngừng cung cấp các dịch vụ vận chuyển hành khách GrabBike, GrabBike Economy, GrabBike Premium và dịch vụ giao đồ ăn GrabFood (bao gồm GrabKitchen) trên địa bàn TP.HCM trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 9-7 hoặc cho đến khi có thông báo mới của cơ quan chức năng. Các dịch vụ GrabExpress và GrabMart vẫn hoạt động bình thường.

Các hoạt động giao đồ ăn đã tạm ngưng hoạt động. Ảnh: ĐÀO TRANG.

Tương tự, app Beamin cũng thông báo: "Tạm ngừng dịch vụ vì sức khoẻ của bạn là trên hết. Beamin xin tạm dừng dịch vụ giao đồ ăn từ 0 giờ, ngày 9-7 để cùng cộng đồng phòng chống dịch COVID-19. Beamin sẽ trở lại sớm thôi, TP.HCM cố lên nhé."

Trước đó, ngay 8-7, UBND TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn về việc thực hiện Chỉ thị 16.

Thực hiện chỉ thị này theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố - tổ nhân dân cách ly với tổ dân phố - tổ nhân dân, khu phố - ấp cách ly với khu phố - ấp, xã - phường - thị trấn cách ly với xã - phường - thị trấn, quận - huyện và TP Thủ Đức cách ly với quận - huyện và TP Thủ Đức. Đồng thời, người dân chỉ được phép ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết.

UBND phường, xã, thị trấn tổ chức các đội tuần tra, giám sát, hoạt động 24/24, không đế xảy ra các trường hợp tập trung đông người và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp người dân ra khỏi nhà không thuộc các trường hợp quy định trên và không có lý do chính đáng.

Dựa trên hướng dẫn của UBND TP.HCM, Sở GTVT TP.HCM cũng đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị vận chuyển hàng hoá. Trong đó, dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô được phép hoạt động và phải thực hiện theo các hướng dẫn. Cụ thể, đối với lái xe phải luôn đeo khẩu trang trong quá trình vận chuyển, mua, nhận sản phẩm và giao cho khách hàng (giữ khoảng cách âm trong quá trình giao, nhận sản phẩm); khai báo y tế theo quy định.

Đối với đơn vị cung ứng dịch vụ ứng dụng công nghệ cần lập và lưu trữ trên phần mềm danh sách phương tiện, lái xe, hành khách đặt hang, tuyến đường và các địa điểm trong quá trình di chuyển.

Mục đích là để cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền (nếu có yêu cầu) và kịp thời thông tin đến cơ quan có thẩm quyền về các trường hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Các hãng thông báo tạm ngưng hoạt động. Ảnh: ĐÀO TRANG.

Lý giải các thông tin rõ hơn, trong buổi họp báo ngày 9-7, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 TP nhưng vẫn phải duy trì, đảm bảo lưu thông hàng hóa, đảm bảo cung ứng dịch vụ thiết yếu như vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, lương thực, thực phẩm.

Về câu hỏi các cửa hàng kinh doanh ăn uống có còn được hoạt động hay không? Ông Dương Anh Đức cho biết: Chỉ thị 10 của UBND TP đã cấm việc ăn uống tại chỗ, giờ thực hiện Chỉ thị 16, TP cấm thêm dịch vụ ăn uống mang về. Như vậy, người bán hàng dịch vụ ăn uống sẽ phải tạm ngưng bán mang về.

Ông Đức lý giải thực tế các nơi bán hàng ví dụ như tiệm bánh mì, khi nhiều người đặt hàng, shipper đến đứng đợi ở cửa hàng rất khó đảm bảo giãn cách theo Chỉ thị 16.

Yêu cầu giãn cách là hai người mà thường những tiệm nhỏ như tiệm bánh mì cũng có hai người bán, thêm một người đến mua nữa là ba người. Do vậy, ông mong sự chia sẻ vì mỗi loại hình hoạt động phải dừng là vấn đề rất đắn đo, cân nhắc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm