Loại hình GrabCar không cần gắn 'mào'

Bộ GTVT đang tiếp tục lấy ý kiến về dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Vẫn như những lần sửa trước, lần này Bộ GTVT tiếp tục sửa đổi khoản 1 Điều 3 về khái niệm kinh doanh vận tải bằng ô tô. Trong đó, điều chỉnh một số từ ngữ theo nghĩa hẹp và cụ thể hơn nhưng vẫn giữ nguyên nội hàm.

Theo đó: “Kinh doanh vận tải bằng ô tô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Trong đó, có công đoạn trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải”.

Bộ GTVT phân tích sau khi thí điểm GrabCar mang lại nhiều tiện lợi cho người dân. 

Với định nghĩa này, có thể hiểu loại hình tương tự Grab được xem là đơn vị kinh doanh vận tải.

Theo đó, Bộ GTVT bổ sung khoản 2 Điều 6 về kinh doanh vận tải bằng xe taxi. Trong đó, quy định đối với các xe được tính tiền thông qua phần mềm, phải có hộp đèn với chữ "TAXI ĐIỆN TỬ" gắn cố định trên nóc xe theo quy định.

Phần mềm tính tiền đảm bảo cung cấp cho hành khách các nội dung tối thiểu gồm thông tin về doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải (tên, địa chỉ, điện thoại, mã số thuế); thông tin về lái xe (họ và tên, hạng giấy phép lái xe, số giấy phép lái xe, số điện thoại); thông tin về xe (biển kiểm soát xe, nhãn hiệu và sức chứa của xe, năm sản xuất); điểm bắt đầu và điểm kết thúc chuyến đi; thời gian bắt đầu và kết thúc chuyến đi; hành trình; cự ly chuyến đi (km); thông tin về giá cước và số tiền hành khách phải trả (VND)...

Điểm đáng chú ý, Bộ GTVT tiếp tục bổ sung khoản 2 Điều 7 về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Theo đó, ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng phải có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG”; phải niêm yết chữ “XE HỢP ĐỒNG” hoặc "XE HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ"; niêm yết các thông tin trên xe theo quy định. Trường hợp ô tô kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng sử dụng cả hợp đồng bằng văn bản giấy và hợp đồng vận tải điện tử thì niêm yết chữ "XE HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ".

Với quy định này có thể hiểu các xe GrabCar (đang nằm trong chương trình thí điểm của Bộ GTVT) được xem là xe hợp đồng điện tử. Như vậy các xe này không cần gắn hộp đèn trên nóc xe. Tuy nhiên, phải có phù hiệu và niêm yết theo quy định.

Trái ngược lại, Hiệp hội Vận tải taxi TP Hà Nội và TP.HCM lại cho rằng cần quy định tất cả xe dưới chín chỗ là taxi. Nhưng Bộ GTVT cho biết quan điểm của đơn vị không đồng quan điểm với các hiệp hội taxi mà thống nhất thực hiện theo ý kiến thứ nhất.

Việc đưa ra quy định này theo Bộ GTVT, kết quả thí điểm cho thấy việc đưa ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách trong việc đi lại như lựa chọn phương tiện, biết được thông tin của lái xe (tên, số điện thoại), biết trước được giá cước, tăng khả năng tìm lại hành lý, tài sản, sử dụng dịch vụ tốt thông qua chất lượng của phương tiện.

Đồng thời, giám sát đánh giá thái độ phục vụ khách hàng của đơn vị với lái xe, chia sẻ giám sát chuyến đi khi khách hàng muốn sử dụng nhằm nâng cao an toàn cho hành khách. Hành khách sử dụng dịch vụ hài lòng vì thời gian chờ đợi ngắn và được đón chính xác theo địa điểm yêu cầu….

Bên cạnh đó, tại các cuộc họp đa số ý kiến các chuyên gia đều cho rằng xe hợp đồng điện tử (dưới chín chỗ là phù hợp quy định của luật hiện hành) do đó không thể cấm, triệt tiêu cái mới và có lợi cho người dân.

 

              Tiếp tục cấm đi xe chung

Về quy định “Đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Đối với mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết một hợp đồng”.

Bộ Tư pháp, VCCI, một số doanh nghiệp vận tải tỉnh Thái Nguyên và một số chuyên gia đề nghị bỏ quy định này và cho rằng quy định này là không hợp lý, cản trở doanh nghiệp kinh doanh vận tải kết hợp nhận vận chuyển nhiều nhóm khách trên một tuyến đường để tiết kiệm chi phí.

Việc hạn chế dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng là hạn chế quyền tự do giao kết hợp đồng, không phù hợp với nhu cầu sử dụng xe hợp đồng phục vụ cho việc đi làm, đi học (đưa đón một cách thường xuyên). Tuy nhiên, Bộ GTVT vẫn đề nghị giữ nguyên nhưng đề nghị xin ý kiến thành viên Chính phủ xem xét quyết định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm