Lộ trình 4 bước mở cửa bầu trời đón khách quốc tế

Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ GTVT lộ trình mở lại đường bay quốc tế gồm bốn giai đoạn, bắt đầu từ cuối năm 2021 đến tháng 7-2022. Kế hoạch này rất đáng chú ý trong bối cảnh Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được các quốc gia/vùng lãnh thổ giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao.

Các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ các nước hồi hương. Ảnh: CTV

Không giới hạn khách du lịch quốc tế

Theo đó, trong giai đoạn 1 (từ cuối năm 2021), khôi phục các chuyến bay trọn gói (combo) cho công dân Việt Nam và thí điểm đón du khách quốc tế đến một số địa phương như Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Ninh…

Với chuyến bay combo, hãng hàng không trong nước cùng doanh nghiệp (DN) lữ hành tổ chức chuyến bay, trên cơ sở văn bản đồng ý của địa phương tiếp nhận khách cách ly tập trung bảy ngày có thu phí. Những đường bay dự kiến gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Úc và các thị trường khác khi có nhu cầu luân chuyển lao động.

Các sân bay tiếp nhận chuyến bay thường lệ quốc tế gồm Vân Đồn, Đà Nẵng, Cam Ranh và các cảng hàng không khác. Tần suất chuyến bay dựa trên năng lực tiếp nhận cách ly của địa phương. Đối với các chuyến bay thí điểm du lịch đón khách quốc tế, nhà chức trách hàng không đề xuất không giới hạn thị trường.

Tần suất khai thác một chuyến/ngày, tương đương với khoảng 4.000-6.000 khách/tháng, sau đó tăng lên hai chuyến/ngày trong tháng tiếp theo.

Cục Hàng không lưu ý khách trên các chuyến bay thí điểm này phải đáp ứng điều kiện tiêm đủ hai liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19; có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay và cần đăng ký tham gia chương trình du lịch trọn gói của DN lữ hành.

Giai đoạn 2, từ tháng 1-2022, thực hiện các đường bay giữa Việt Nam tới Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Úc và các thị trường an toàn khác không nằm trong khuyến cáo hạn chế nhập cảnh theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19. Tần suất hoạt động bốn chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên.

Hành khách trên chuyến bay cần đáp ứng các điều kiện như tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi COVID-19 nhưng không yêu cầu có văn bản đồng ý cho vào Việt Nam của các cơ quan chức năng như giai đoạn 1.

Giai đoạn 3, từ tháng 4-2022, khi áp dụng cơ chế hộ chiếu vaccine, không cần cách ly sau nhập cảnh, mở hết các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam. Tần suất bảy chuyến/tuần/chiều cho mỗi hãng hàng không. Hành khách trong giai đoạn này là công dân Việt Nam và nước ngoài có giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 phù hợp với cơ chế hộ chiếu vaccine.

Giai đoạn 4, dự kiến từ tháng 7-2022, tùy thuộc vào tiến trình tiêm vaccine trong nước và đánh giá về tính miễn dịch cộng đồng. Theo đó, dự kiến khai thác các chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu. Trong giai đoạn này, hãng hàng không được cấp phép bay để mở bán theo nhu cầu và slot được xác nhận. Hành khách làm thủ tục hàng không (check-in) tại điểm xuất phát khi có các chứng nhận phù hợp với yêu cầu của cơ quan y tế Việt Nam tại thời điểm áp dụng.

Nhu cầu đi lại của nhà đầu tư, chuyên gia rất cao

Các chuyên gia hàng không và hiệp hội các DN trong và ngoài nước đánh giá việc mở cửa các đường bay quốc tế để giao thương, đi lại, phục hồi kinh tế hết sức cấp thiết bởi thời gian giãn cách kéo dài đã ảnh hưởng đến việc đi lại của các nhà đầu tư, chuyên gia, lao động, du học sinh các nước, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, những thị trường được đề xuất mở cửa bầu trời quốc tế của nhà chức trách hàng không đều là những thị trường truyền thống đầy tiềm năng, kiểm soát dịch bệnh tốt.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội DN các khu công nghiệp TP.HCM, cho biết hiện nhu cầu của các nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật trên đường bay quốc tế đến Việt Nam rất lớn. Tuy nhiên, thời gian qua chưa mở cửa đường bay quốc tế nên các nhà máy/DN rất nóng lòng trong việc đón nhà đầu tư, chuyên gia sang. Chiều ngược lại, các DN tại các khu công nghiệp - khu chế xuất, khu công nghệ cao tại TP.HCM cũng có nhu cầu đưa nhân viên ra nước ngoài huấn luyện để nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.

Với đường bay nhộn nhịp Việt Nam - Đài Loan, đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM cho biết bình quân mỗi năm có gần 500.000 khách du lịch từ Việt Nam sang. Cùng đó, có khoảng 17.400 du học sinh đang theo học tại Đài Loan. Vị đại diện văn phòng này thông tin thêm thời gian qua, dù dịch bệnh nhưng các trường học tại Đài Loan chưa đóng cửa ngày nào, theo đó thời gian tới Đài Loan sẽ mở cửa tiếp nhận số du học sinh từ Việt Nam sang nhập học tăng đáng kể. Để hỗ trợ du học sinh Việt Nam, các hãng hàng không Đài Loan đang có chính sách hỗ trợ khoảng 100 USD/vé.

Với đường bay Việt Nam - Nhật Bản, các DN xuất khẩu lao động thông tin thời gian qua dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, tuy nhiên các đơn hàng tuyển thực tập sinh khá sôi động. Trong đó, nhiều thực tập sinh đã trúng tuyển, có tư cách lưu trú đang chờ xuất cảnh. Như vậy, khi nối lại đường bay đi Nhật sẽ có hàng chục ngàn thực tập sinh có cơ hội xuất cảnh sang Nhật làm việc. Ngược lại, cũng có hàng chục ngàn thực tập sinh đã hết hạn hợp đồng nhưng chưa về nước do hạn chế chuyến bay sẽ được trở về.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, nhìn nhận đây là giai đoạn ngành hàng không “mặc áo mới” để mở cửa đi lại, giao thương quốc tế. Thời gian qua, các hãng hàng không trong nước đã có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19. Như vậy, các hãng không đã sẵn sàng khi được các cơ quan chức năng cho phép, đồng thời trong quá trình mở cửa cần có các giải pháp ứng phó để kịp thời điều chỉnh phù hợp với tình hình dịch bệnh.•

Các nhà đầu tư nóng lòng sang Việt Nam

Mới đây, Hiệp hội Các DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng đã kiến nghị Chính phủ nên sớm mở lại các chuyến bay quốc tế để các nhà đầu tư, chuyên gia châu Âu sang Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư và phục vụ các dự án đang hoạt động tại Việt Nam. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm