Lấp suối xây nhà, trồng rau, Đà Lạt cứ mưa là ngập

Những trận mưa không lớn nhưng kéo dài trong những ngày qua đã gây ngập úng cục bộ ở khu vực Mạc Đĩnh Chi, Cam Ly và một số tuyến đường ở trung tâm TP Đà Lạt. Điều này một lần nữa khiến nhiều người lo lắng và đặt câu hỏi về hiệu quả của việc quy hoạch phát triển TP Đà Lạt hiện nay. Nơi đây một thời đã được mệnh danh là tiểu Paris với vẻ đẹp thơ mộng, khí hậu trong lành, mát mẻ khó nơi đâu sánh bằng.

Nhiều con suối bỗng biến khỏi bản đồ

Người dân sinh sống dọc bên suối Mạc Đĩnh Chi, Cam Ly, Mê Linh, khu dân cư ở chân đèo Prenn những ngày qua liên tục chứng kiến cảnh nước đỏ ngầu chảy cuồn cuộn như lũ tràn lên cả mặt đường, gây ngập úng cả khu vực. “Nhà tôi ở đây lâu rồi. Trước đây con suối rộng lắm, nhà cửa không khang trang như bây giờ, nhà gỗ nhiều, suối chưa bị bê tông hóa nhưng mưa lớn mấy cũng chưa thấy cảnh tượng như lũ cuốn mấy ngày qua. Nhiều đoạn suối khi xây dựng đã bị nắn dòng, chảy rất xiết, nước đập vào thành kênh tràn cả lên mặt đường nguy hiểm vô cùng” - anh Dương Quang Nhật, một người dân sống bên suối Mạc Đĩnh Chi, nói. Tình trạng lấn chiếm suối để xây nhà đã diễn ra ở nhiều nơi suốt một thời gian dài không được quản lý. Lâu dần nhiều con suối ở trung tâm TP bỗng nhiên biến khỏi bản đồ, thay vào đó là nhà cửa mọc lên san sát.

Nhà kính phát triển tràn lan tại Đà Lạt. Ảnh: BÌNH AN

Nguyên nhân gây ra tình trạng ngập

Theo PGS-TS Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng, trong rất nhiều nguyên nhân đã được các chuyên gia trong và ngoài nước chỉ ra thì có ba nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngập cục bộ ở Đà Lạt. Đó là tốc độ bê tông hóa quá nhanh và mất kiểm soát; nhà kính, nylon mọc lên tràn lan không có quy hoạch và hệ thống các con suối, hồ đập rải rác khắp nơi từ thượng nguồn xuống hạ lưu ở vùng đất cao nguyên này để điều tiết lưu lượng nước đã bị lấn chiếm hoặc lấp đất làm đường đi, nhà ở, trồng rau, trồng hoa… “Quá trình đô thị hóa ồ ạt khiến TP đang phải chịu nhiều hệ lụy. Nhiều cánh rừng thông ven TP và nội đô đang dần biến mất, thay thế bởi các công trình xây dựng. Việc quản lý lỏng lẻo, cấp phép xây dựng thiếu quy hoạch và quy củ khiến kiến trúc đô thị Đà Lạt chịu nhiều biến dạng. Khu vực trung tâm TP ken cứng nhà cao tầng, nhà hộp, khắp nơi bê tông hóa, mảng xanh ít dần khiến khu vực trung tâm TP mất đi diện tích bề mặt để thẩm thấu nước. Mỗi khi trời mưa, nước mưa chảy tràn lan, lênh láng trên mặt đường, từ cao đổ xuống thấp gây ngập và sạt lở ở vùng thấp là điều khó tránh” - TS Sinh nhận định.

Còn theo ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, việc phát triển nhà kính tràn lan, mạnh ai nấy làm thời gian qua cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sự phát triển bền vững của Đà Lạt. Việc xây dựng nhà kính làm nông nghiệp tuy mang lại hiệu quả khá cao trong canh tác nhưng chưa được quy hoạch và tính toán khoa học để phù hợp ở từng khu vực. Việc thả lỏng cho người dân muốn làm nhà kính, nhà nylon kiểu gì cũng được dẫn đến hậu quả là nước bị chiếm mất không gian thẩm thấu. Do đó, khi mưa xuống là đổ dồn qua hệ thống mái che nylon rơi vào một chỗ và gây ngập úng cục bộ. “Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng hệ thống quy chuẩn về việc xây dựng nhà kính để đảm bảo khả năng thoát nước nhanh khi trời mưa lớn. Tuy nhiên, quy định này đến nay vẫn chưa được áp dụng và địa phương cũng chưa có quy hoạch những khu vực được xây dựng nhà kính và công khai đến người dân” - ông Hưng nói. Bên cạnh đó, theo ông Hưng phong trào phát triển homestay có view núi, quán cà phê cũng phải có view núi, ngắm rừng khiến nhiều người săn lùng đất rừng, đất nông nghiệp ở cả ngoại ô. Nhiều cánh rừng thông ở Mănglin, Tà Nung, Trại Mát, Xuân Thọ, Thái Phiên nham nhở vì nhà ở và nhà kính… “Với tốc độ bê tông hóa khắp nơi, xây dựng, phát triển nhà kính không kiểm soát như hiện nay thì rõ ràng tới mùa mưa Đà Lạt sẽ ngập như chúng ta đang thấy” - ông Hưng cho hay.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, mưa lớn trong những ngày qua đã gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện, TP của tỉnh Lâm Đồng khiến hơn 2.430 căn nhà bị ngập, 548 hộ phải di dời; nhấn chìm hơn 2.558 ha cây trồng; gây ngập và thiệt hại hàng trăm hecta nhà kính sản xuất công nghệ cao; 52,2 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, hơn 310 tấn cá tầm bị cuốn trôi; các tuyến giao thông bị sạt lở, chia cắt; nhiều ô tô bị ngập, cuốn trôi. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 130 tỉ đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm