Kiểm soát không lưu ngủ quên có thể bị phạt đến mức nào

Cảng vụ hàng không miền Bắc vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hai kiểm soát viên không lưu để máy bay mất liên lạc với Đài kiểm soát không lưu sân bay Cát Bi.

Theo đó, kiểm soát viên không lưu LTMT (31 tuổi) và kiểm soát viên không lưu NVC (60 tuổi) cùng bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép kiểm soát không lưu hai tháng. Quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-3.

Xung quanh vụ việc này, nhiều người thắc mắc pháp luật quy định về việc xử lý đối với những hành vi vi phạm như của kiểm soát viên không lưu nói trên ra sao?   

TS-luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch: Hành vi không thực hiện đúng quy định như của kiểm soát viên không lưu nói trên có thể bị xử lý dưới các hình thức sau:

-  Căn cứ quy định tại Điều 68 Luật Hàng không dân dụng năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2014, nhân viên hàng không là người lao động nên sẽ có thể bị áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 126 Bộ luật Lao động 2012, hành vi không trả lời liên lạc tổ bay của kiểm soát viên không lưu có thể bị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật là sa thải, do hành vi này có thể đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, lợi ích Cục Hàng không Việt Nam…

-  Ngoài ra, có thể xem xét xử lý hình sự hành vi của kiểm soát viên không lưu  không phản hồi tổ lái về tội vi phạm quy định điều khiển tàu bay theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 1999, năm 2009. Theo quy định, người nào chỉ huy, điều khiển máy bay mà vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường không, có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt tiền 5-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù 1-5 năm.

Khái niệm người điều khiển máy bay được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 12 Thông tư liên tịch 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSND Tối cao - TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XIX của Bộ luật Hình sự về các tội xâm phạm trật tự an toàn công cộng. Người điều khiển máy bay là thành viên tổ lái, gồm lái chính, lái phụ và nhân viên hàng không khác phù hợp với loại máy bay. Nhân viên hàng không khác có thể được hiểu là nhân viên không lưu, cụ thể là kiểm soát viên không lưu, theo quy định tại Thông tư 46/2013 của Bộ GTVT.

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Quy chế không lưu hàng không được ban hành kèm theo Quyết định 32/2007 của Bộ GTVT, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 22/2011 của Bộ GTVT, kiểm soát viên không lưu có trách nhiệm trợ giúp tổ lái trong tình huống khẩn nguy; cung cấp cho tổ lái các tin tức cần thiết để đảm bảo an toàn, hiệu quả chuyến bay. Hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường không được hướng dẫn tại khoản 3 Điều 12 Thông tư 09/2013. Hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường không có thể là hành vi thực hiện nhiệm vụ không đúng quy trình theo quy định, ảnh hưởng đến hoạt động hàng không dân dụng, uy hiếp đến an ninh, an toàn hàng không.

Từ các căn cứ nêu trên, có thể thấy rằng kiểm soát viên không lưu có hành vi không trả lời liên lạc của tổ bay là vi phạm quy định về trách nhiệm của kiểm soát viên không lưu, hành vi này có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Luật sư Lê Văn Hoan: Theo điểm e khoản 1 Điều 217 BLHS năm 1999, người nào có “Hành vi khác cản trở giao thông đường không” gây thiệt hại cho tính mạng, hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù 1-5 năm.

Nếu thuộc các trường hợp quy định ở các khoản liền kề thì khung hình phạt đối với tội danh này tối đa là 15 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm.

Nếu không có thiệt hại về người, sức khỏe mà có thiệt hại về tài sản thì xác định theo Thông tư liên tịch 09/2013 như sau: Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 70 triệu đến dưới 500 triệu đồng (thuộc trường hợp nghiêm trọng); gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỉ đồng (thuộc trường hợp rất nghiêm trọng); gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên (thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng).

Trường hợp chưa đến mức bị xử lý hình sự thì người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 5-10 triệu đồng theo điểm c khoản 4 Điều 15 Nghị định 147/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng: “c) Thực hiện nhiệm vụ không đúng quy trình thực hiện công việc, quy trình phối hợp hoạt động gây uy hiếp an ninh hàng không, an toàn hàng không”…

Luật sư Nguyễn Đức Chánh: Theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Luật Hàng không dân dụng 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2014, nhân viên hàng không là những người hoạt động liên quan trực tiếp đến bảo đảm an toàn hàng không, an ninh hàng không, khai thác máy bay, vận chuyển hàng không, hoạt động bay; có giấy phép, chứng chỉ chuyên môn phù hợp do Bộ GTVT cấp hoặc công nhận. Vì vậy, kiểm soát viên không lưu cũng thuộc trường hợp là một nhân viên hàng không và chịu sự điều chỉnh của Luật Hàng không dân dụng cũng như các văn bản pháp luật có liên quan, trong đó có Nghị định 147/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Đối với trường hợp nhân viên không lưu không trả lời liên lạc của tổ bay trong khi các trang thiết bị của đài kiểm soát không lưu hoạt động bình thường được nhận định là do lỗi chủ quan hoàn toàn và nhân viên đó phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về hành vi của mình. Theo quy định tại điểm c khoản 4 và khoản 8 Điều 15 Nghị định 147/2013, nhân viên hàng không sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng nếu thực hiện nhiệm vụ không đúng quy trình thực hiện công việc, quy trình phối hợp hoạt động gây uy hiếp an ninh hàng không, an toàn hàng không, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép nhân viên hàng không, chứng chỉ chuyên môn của nhân viên hàng không 1-3 tháng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm