Không xin chuyển 20.000 thanh tra giao thông sang Bộ Công an

Tại phiên thảo luận tổ ngày 11-11 về hai dự án Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn (TTAT) GTĐB, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thông tin Bộ GTVT đề nghị Bộ Công an nhận 20.000 thanh tra giao thông (TTGT). Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 12-11, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết Bộ GTVT không có văn bản nào đề nghị Bộ Công an nhận 20.000 TTGT.

Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Bộ Công an đề xuất bỏ thẩm quyền xử phạt của thanh tra giao thông. Ảnh: ĐÀO TRANG

TTGT vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ
Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, lần sửa luật này Bộ GTVT phân công lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của TTGT cho phù hợp với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GTVT về gtđb, không chồng chéo, trùng lắp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CSGT…
Theo đó, Điều 100 dự luật GTĐB vừa trình Quốc hội quy định lực lượng TTGT đường bộ tiếp tục thực hiện thanh tra chuyên ngành để bảo vệ kết cấu hạ tầng GTĐB, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình đường bộ.
“Như vậy, trường hợp Quốc hội chấp thuận theo đề xuất của Bộ Công an (TTGT không được dừng xe xử phạt - PV) thì lực lượng thanh tra vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình, trong đó sẽ thanh tra bảo vệ hành lang an toàn GTĐB, bến xe, bãi đỗ xe; bảo vệ công trình giao thông…, tức đảm nhiệm giao thông tĩnh. Cạnh đó, thanh tra còn đảm nhận nhiệm vụ ở lĩnh vực khác như đường thủy, đường sắt… vậy nên, tôi khẳng định lực lượng TTGT rất nhiều việc, không thể thiếu lực lượng TTGT được…” - vị này thông tin.
Đối với đề xuất của Bộ Công an về việc TTGT không được xử phạt, chỉ quay video các xe vi phạm rồi chuyển cho công an xử lý, vị lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định quy định trên không phù hợp. Bởi nếu xe vi phạm không được ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến hạ tầng giao thông. “Thấy xe vi phạm phải lập tức ngăn chặn, xử phạt ngay, chứ không phải chỉ quay video để phương tiện phá nát hết rồi mới xử lý…” - vị lãnh đạo nhấn mạnh.
Theo số liệu từ lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện nay nếu tính 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và các cục chuyên ngành của Bộ GTVT thì số lượng TTGT chỉ khoảng 3.200 người, không phải 20.000 người như bộ trưởng Bộ Công an trình bày tại phiên họp tổ ở Quốc hội vừa qua.
“Tôi cũng khẳng định là Bộ GTVT không hề có văn bản nào đề nghị Bộ Công an nhận 20.000 TTGT… và số liệu đưa ra là không chính xác” - lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nói rõ.

Theo khoản 2 Điều 100, dự luật GTĐB sửa đổi, nhiệm vụ TTGT được nêu cụ thể, chi tiết hơn. Cụ thể, TTGT đường bộ chỉ được dừng xe để kiểm tra, xử lý vi phạm và yêu cầu người điều khiển xe thực hiện các biện pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng GTĐB khi phát hiện hoạt động của xe có nguy cơ gây hư hỏng kết cấu hạ tầng GTĐB trong các trường hợp sau:

a) Vượt quá tải trọng hoặc khổ giới hạn cho phép của đường bộ;

b) Xe bánh xích lưu thông trực tiếp trên đường mà không thực hiện biện pháp bảo vệ đường bộ theo quy định;

c) Đổ đất, vật liệu xây dựng, các phế liệu khác trái phép hoặc đào đất trên đường bộ hoặc vào hành lang an toàn đường bộ;

d) Các trường hợp khác có nguy cơ làm hư hỏng hoặc phá hoại kết cấu hạ tầng GTĐB do phương tiện đường bộ gây ra.

Hoạt động của hai lực lượng có sự chồng chéo 
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 12-11, các đại biểu (ĐB) tiếp tục bày tỏ sự băn khoăn với việc tách Luật GTĐB thành hai dự luật. Trong đó có nội dung về thẩm quyền của TTGT trong việc dừng phương tiện, xử phạt…
ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho hay trước đây khi xây dựng Luật GTĐB đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc tổ chức lực lượng TTGT. Bây giờ phải xác định trong quá trình thực thi luật này phải quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của lực lượng TTGT với CSGT. “Thời gian qua hoạt động của hai lực lượng này có nhiều sự chồng chéo. Ví dụ, ra đường chúng ta thấy một số ngã tư ở TP Hà Nội vừa có lực lượng TTGT vừa có lực lượng CSGT hướng dẫn giao thông, ở đây rõ ràng là sự bất hợp lý” - ĐB Hồng nói.
Ông Hồng cũng cho hay sự chồng chéo còn nằm ở việc xử lý vi phạm như xử lý xe quá tải lưu hành trên đường, TTGT cũng lập chốt kiểm tra các phương tiện, CSGT cũng có trang bị phương tiện cân để kiểm tra quá cân, quá tải… “Sửa luật lần này tôi thấy cần phải định rõ chức năng, nhiệm vụ của hai lực lượng này với nguyên tắc là thuộc cái gì, vi phạm các quy định của điều cấm trong Luật GTĐB thì là nhiệm vụ của TTGT. Còn những gì thuộc lĩnh vực đảm bảo TTATGTĐB là do lực lượng CSGT, tất nhiên vẫn phải có sự phối hợp” - ĐB Hồng nói.
Cùng nội dung này, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng Bộ GTVT là bộ quản lý nhà nước, trong đó lực lượng thanh tra là tai mắt của hoạt động quản lý nhà nước. “Cho nên bảo tách hai luật này, không còn TTGT nữa là bao biện. Bởi vì toàn bộ hai hồ sơ (của hai dự luật - PV) này về nguyên tắc theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì đều phải đánh giá tác động việc bỏ đi, rồi làm thêm luật mới. Nhưng trong dự thảo luật không có báo cáo đánh giá tác động” - ông Bộ nói.
Còn ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho rằng mỗi đơn vị có chức năng khác nhau, chứ không thể một người làm hai chức năng khác nhau được. “Bởi vì ngoài sự có tính chuyên môn kỹ thuật sâu thì còn có sự kiểm soát lẫn nhau. Tức là một người làm nhiều việc và việc đấy phải được một cơ quan khác kiểm soát lại có đúng hay không. Bây giờ tất cả bó chung lại do một đơn vị thực hiện thì rõ ràng tính kiểm soát và tính minh bạch không được thực hiện” - ông Sinh nói.•

Thanh tra giao thông sẽ không còn được dừng xe xử phạt?

Theo quy định hiện hành tại Luật GTĐB 2008, hai lực lượng có thẩm quyền dừng phương tiện để xử phạt hành chính trong lĩnh vực GTĐB gồm CSGT và TTGT. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT, Bộ Công an đề xuất bỏ thẩm quyền xử phạt của TTGT.
Cụ thể, CSGT sẽ là lực lượng chịu trách nhiệm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGTĐB, vi phạm pháp luật khác của người và xe tham gia GTĐB. Việc huy động lực lượng cảnh sát khác, công an xã phối hợp với CSGT trong trường hợp cần thiết sẽ do bộ trưởng Bộ Công an quy định.
Theo Cục CSGT, đề xuất này nhằm giải quyết tình trạng hiện nay có nhiều lực lượng cùng ra đường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, gây chồng chéo với nhiệm vụ của CSGT. TTGT sẽ tập trung vào thanh tra hành chính cũng như các hoạt động thanh tra, kiểm tra khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, cho biết thời gian qua TTGT đường bộ ra đường dừng xe để xử phạt vi phạm nhưng thực tế hiệu quả xử lý là không cao. Thống kê trong tám tháng đầu năm 2020 cho thấy TTGT xử lý tổng cộng hơn 28.500 trường hợp vi phạm. Trong khi đó, con số này của lực lượng CSGT lên tới hơn 2,5 triệu trường hợp vi phạm, gấp gần 90 lần.
Song song với việc tập trung nhiệm vụ tuần tra, xử lý vi phạm về một đầu mối là CSGT, Bộ Công an sẽ tăng cường sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhất là hệ thống camera quan sát, giảm dần việc CSGT trực tiếp dừng xe, tránh tiêu cực phát sinh. Chưa hết, dự thảo luật còn quy định chi tiết các căn cứ dừng xe để kiểm soát, xử lý vi phạm, những hình thức phát hiện vi phạm… của lực lượng CSGT để người dân tham gia giám sát. TUYẾN PHAN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm