Không thể phát triển nếu giao thông không kết nối

Chiều 18-1, tại cuộc họp triển khai công tác kết nối giao thông các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm tám tỉnh, thành: Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang và TP.HCM), ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, nhận định như trên.

Theo báo cáo của tổ điều phối kết nối giao thông các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong năm 2017, các địa phương liền kề đã chủ động phối hợp với nhau để đấu nối giao thông. Cụ thể, TP.HCM đã phối hợp với tỉnh Long An để thống nhất quy mô, tiến độ thực hiện các trục đường kết nối như quốc lộ 1A, quốc lộ 50, tỉnh lộ 7, tỉnh lộ 8, tỉnh lộ 10, trục động lực… TP.HCM đã phối hợp với tỉnh Tây Ninh trong việc tìm giải pháp để triển khai đầu tư mở rộng quốc lộ 22; đã phối hợp với Bình Dương, Đồng Nai trong việc kết nối giao thông các tuyến trục, kéo dài tuyến metro số 1, bổ sung cầu Cát Lái vượt sông Đồng Nai.

Kế hoạch năm 2018, Sở GTVT TP.HCM cùng với bảy sở GTVT các tỉnh, thành phía Nam tiếp tục tổ chức thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt; thực hiện các liên kết vùng trên lĩnh vực kết cấu hạ tầng… Cụ thể, trình Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam kiến nghị Bộ GTVT thống nhất chủ trương báo cáo Thủ tướng cho phép nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch GTVT vùng trong quý II-2018. Lập phương án phối hợp; phân chia, chuyển đổi nguồn vốn; chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng đường Vành đai 3.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, đề nghị Sở GTVT TP.HCM nên đề xuất để lãnh đạo hai địa phương sớm bàn bạc, kiến nghị lên Chính phủ sớm xây dựng đường cao tốc TP.HCM-Mộc Bài. Ông Từ Nam Thành, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, bày tỏ mong muốn sớm triển khai xây dựng cầu Cát Lái để kích hoạt cho đô thị Nhơn Trạch tăng tốc. Cạnh đó, Đồng Nai cũng rất muốn sớm làm đoạn Vành đai 3 Nhơn Trạch-Tân Vạn để kết nối nhanh bốn tỉnh liền kề Long An-TP.HCM-Đồng Nai-Bình Dương…

Ông Bùi Xuân Cường cũng cho biết trong năm 2018, TP sẽ cho tháo dỡ cầu Phú Long cũ và sẽ cùng các địa phương kiến nghị Bộ GTVT thúc tiến độ xây cầu đường sắt Bình Li nhanh hơn nữa. “Nhân đây, TP.HCM cũng thông tin cầu Rạch Dơi trên đường Lê Văn Lương nối Nhà Bè với huyện Cần Giuộc (Long An) đã được ghi vốn ngân sách xây dựng trong năm 2018” - ông Cường nói.

Đường Vành đai 3 đi qua địa phận TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An bắt đầu từ Bến Lức, chạy dọc theo tuyến dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành đến Nhơn Trạch, Tân Vạn, Bình Chuẩn, quốc lộ 22 và kết thúc tại Bến Lức. Tổng chiều dài Vành đai 3 khoảng 89,3 km, trong đó làm mới khoảng 73 km, đoạn Mỹ Phước-Tân Vạn dài 16,3 km hiện được tỉnh Bình Dương đầu tư. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm