Không được để thất bại trong kêu gọi đầu tư BOT

“Để thu hút được nguồn vốn tư nhân, sắp tới chúng ta cần hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng cởi mở, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Cạnh đó, chọn ra những dự án có tính hiệu quả cao, để nhà đầu tư tham gia và ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ vốn. Nếu chúng ta thất bại trong kêu gọi đầu tư BOT thì không thể đạt được mục tiêu đề ra…”

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định như trên tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2020, triển khai kế hoạch 2021 của ngành giao thông vận tải, diễn ra vào ngày 24-12.

Đến năm 2025 cả nước có gần 4.000km đường cao tốc

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, trong năm 2020, ngành giao thông hoàn thành đưa vào khai thác 21 công trình, dự án và hoàn tất thủ tục, triển khai thi công 19 dự án mới.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.LONG

Đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, Bộ đã triển khai khởi công ba dự án thành phần vừa được Quốc hội đồng ý chuyển sang hình thức đầu tư công gồm Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.

Với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) thuộc tuyến cao tốc trên, ông Thọ cho biết có ba dự án thành phần dự kiến sẽ lựa chọn được nhà đầu tư trong năm 2020.

Riêng hai dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu không có nhà đầu tư tham gia nên Bộ đã thừa ủy quyền Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị chuyển đổi hình thức đầu tư công.

Thời gian tới, ngoài việc tập trung đầu tư hoàn thành toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đơn vị sẽ triển khai đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc kết nối trung tâm kinh tế, đặc biệt là các tuyến vành đai hoặc kết nối với trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội và TP.HCM.

“Với mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ có khoảng 3.858 km đường cao tốc. Cải tạo, nâng cấp khoảng 3.000 km đường quốc lộ tại các vùng trọng yếu…”- ông Thọ cho hay.

Với dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp, hỗ trợ xử lý các vướng mắc đối với dự án đường sắt này để sớm đưa vào khai thác, vận hành, đảm bảo điều kiện tiếp tục giải ngân vốn nước ngoài cho dự án.

Đầu tư BOT phải có quy hoạch

Với những kết quả ngành giao thông đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Thủ tướng rất vui và gửi lời chúc mừng đến ngành giao thông vận tải. Tuy nhiên, ông cũng nhận định ngành còn một số hạn chế cần tập trung khắc phục.

Chẳng hạn, mục tiêu đề ra đến năm 2020 cả nước đưa vào vận hành khai thác 2.000km đường bộ cao tốc nhưng mục tiêu này phải đến năm 2021 mới cơ bản hoàn thành, tức chậm một năm.

Từ đó, kéo theo chất lượng đường bộ chưa đảm bảo nhu cầu, làm tăng chi phí vận tải, dẫn đến tăng chi phí logistics, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đối với hạ tầng hàng không, dù các sân bay được nâng cấp, mở rộng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất có nguy cơ quá tải. Trong khi đó, một số sân bay cần đầu tư để tạo ra động lực phát triển thì chưa được đầu tư, điển hình sân bay Điện Biên.

Cạnh đó, chất lượng quy hoạch phát triển của ngành giao thông còn nhiều hạn chế nhưng chưa được điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Một vấn đề nữa cũng được ông Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh là công tác xây dựng kế hoạch để thực hiện quy hoạch.

Trong đó, phải xác định được nguồn vốn và lộ trình thực hiện quy hoạch. Lâu nay, công tác này chưa được chú trọng, đặc biệt với các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa.

“Một số dự án BOT thời gian qua thiếu điều này nên rất lúng túng, từ đó tạo ra phong trào đầu tư BOT, tức đầu tư chưa “trúng”. Những chỗ cần làm BOT thì không làm, những chỗ không cần làm thì làm, dẫn tới những dự án làm xong không thu được phí, hoặc làm xong nhưng người dân không đi, hay có dự án xây thêm cầu nhưng muốn thu hồi vốn phải bịt cầu bên kia lại…” - Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Về nguồn vốn cho hạ tầng giao thông, Phó Thủ tướng khẳng định nhu cầu đầu tư hiện nay rất lớn. Tuy nhiên, nguồn ngân sách lại hạn hẹp.

“Dự kiến trong 10 năm tới chúng ta phải xây dựng mới 3.000km đường bộ cao tốc, tính theo giá hiện nay mất khoảng 600.000 tỉ đồng. Như vậy, năm năm tới cần xấp xỉ 300.000 tỉ đồng, nhưng vốn nhà nước đầu tư công trung hạn cấp cho chỉ được ½.

Vì vậy, chúng ta phải huy động vốn ngoài ngân sách, bằng cách xây dựng thể chế, tạo niềm tin với nhà đầu tư, để họ tham gia các dự án giao thông…”- phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhìn nhận những hạn chế trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, cho biết vừa qua đơn vị đã rất nỗ lực để thực hiện cơ bản nhiệm vụ Chính phủ giao, đặc biệt là giải quyết những vấn đề “nóng” của ngành.

Với chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ngành sẽ nghiêm túc tiếp thu tối đa và cụ thể hóa trong kế hoạch 2021-2025.

Giữ nguyên phạm vi điều chỉnh Luật giao thông đường bộ

Bộ GTVT cho biết trong năm 2021 đơn vị sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề án chính sách về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trong đó chú trọng hoàn thiện dự thảo Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) với phạm vi điều chỉnh được giữ nguyên, kế thừa từ Luật Giao thông đường bộ năm 2001 và Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm