Không có chuyện ngăn phương tiện chở hàng hóa vào TP.HCM

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin các chốt kiểm soát dịch ngăn các phương tiện chở hàng hóa vào TP.HCM. Thông tin trên khiến người dân hoang mang, sợ thiếu nguồn lương thực.

Sở GTVT TP cho biết thông tin trên là hoàn toàn không đúng. Hiện phương tiện từ các tỉnh thành về TP.HCM vẫn tuân thủ theo đúng Chỉ thị 16, đúng đối tượng, đúng yêu cầu.

Sở vẫn đang cấp giấy nhận diện phương tiện cho các đơn vị đã đăng ký. Tính đến nay, Sở GTVT TP đã cấp hơn 27.600 giấy nhận diện phương tiện cho 45 đơn vị.

Các phương tiện lưu thông liên tục, thuận lợi cũng góp phần ổn định hàng hoá ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

"Sở GTVT TP.HCM áp dụng công nghệ thông tin, việc tiếp nhận và trả kết quả hoàn toàn online qua trục liên thông văn bản, email, hoặc Zalo ngay trong ngày; miễn phí.

Nếu hồ sơ gửi đúng trình tự, đã gửi qua cơ quan đầu mối để phối hợp kiểm tra và dữ liệu đúng định dạng, theo mẫu thì sở có thể giải quyết trong vòng 2 tiếng. Mỗi ngày, sở cấp tối đa trên 10.000 Giấy nhận diện phương tiện. Tất cả hồ sơ đều giải quyết trong ngày" - lãnh đạo Sở GTVT TP cho biết.

Theo sở này, những phương tiện được cấp giấy nhận diện phương tiện sẽ được ưu tiên theo "luồng xanh" lưu thông và có thể vận chuyển hàng hóa liên tục, thông suốt, không bị ùn tắc.

Từ việc cấp giấy nhận diện phương tiện nhanh chóng, hiệu quả đã giúp cho công tác lưu thông hàng hóa của các phương tiện thuận lợi. Đặc biệt, các phương tiện trên cũng được ưu tiên qua chốt kiểm dịch tại cửa ngõ ra vào TP.

Để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa các tỉnh phía Nam đi/đến TP.HCM và quá cảnh qua TP, hiện sở đã bố trí cán bộ trực để đảm bảo công tác cấp giấy nhận diện.

Cán phụ trách của sở đã tăng giờ làm việc đến 21 giờ mỗi ngày, thậm chí có ngày đến 0 giờ để cấp giấy nhận diện thương hiệu được kịp thời, hiệu quả. 

Sở GTVT hướng dẫn cụ thể về đối tượng và đơn vị đầu mối như sau:

Xe ô tô vận chuyển hàng hóa thiết yếu (lương thực, thực phẩm như: gạo, mì gói, bún khô; thịt gia súc; thịt gia cầm; trứng gia cầm; rau củ quả; thủy hải sản…) từ các tỉnh đến địa bàn TP.HCM và ngược lại: Sở Công Thương TP.HCM sẽ là đầu mối tiếp nhận. Sau đó, Sở Công Thương có Công văn kèm danh sách gửi Sở GTVT.

Xe ô tô vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, xe chở chuyên gia, công nhân từ các tỉnh đến địa bàn TP.HCM và ngược lại, phục vụ hoạt động của các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn TP.HCM: Do Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp hoặc UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện (theo phân cấp quản lý) là đầu mối tiếp nhận. Sau đó, các đầu mối trên sẽ có công văn kèm danh sách gửi Sở GTVT.

Xe ô tô vận chuyển hàng hóa ra vào các cảng trên địa bàn TP.HCM từ các tỉnh đến TP.HCM: Đơn vị quản lý cảng là đầu mối tiếp nhận và có Công văn kèm danh sách gửi Sở GTVT.

Xe ô tô vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe ô tô vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh, hàng hóa đến các cảng, khu công nghiệp, xe chở chuyên gia, công nhân của các khu chế xuất, khu công nghiệp lưu thông quá cảnh (đi qua) địa bàn TP.HCM: Sở GTVT các tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ là đầu mối tiếp nhận và có Công văn kèm danh sách gửi Sở GTVT.

Sở GTVT TP.HCM cũng cung cấp lại số điện thoại (098.8205533), địa chỉ hộp thư điện tử (sgtvt@tphcm.gov.vn) để các đơn vị thuận tiện trong quá trình trao đổi công tác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm