Khai thác đá trái phép tại nơi khoanh vùng di tích Bạch Đằng

Ngày 3-4, UBND huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) cho biết lực lượng chức năng của huyện này đang tiến hành xác minh, xử lý đối với nhóm người khai thác đá trái phép tại khu vực núi Cống Đá 2.

Khai thác như công trường

Theo ghi nhận của PV, khu vực núi Cống Đá 2 ngày 30-3, hoạt động khai thác diễn ra khá rầm rộ. Tại khu vực núi đá sát mép đường bê tông dẫn vào khu dân cư, hai chiếc máy xúc rầm rập hoạt động như một công trường khai thác quy mô. Một chiếc máy xúc làm nhiệm vụ đục đá núi, chiếc còn lại liên tục vươn gàu xúc đá hộc cho các xe ben chở đi.

Những tảng đá núi được máy xúc lắp mũi đục phá rời thành từng tảng, sau đó tiếp tục được đập thành các cục đá hộc chất đống để chiếc máy xúc kia xúc lên xe ben. Trên đầu máng đá, những người khai thác đá san gạt thành một con đường cho xe ben lùi lên lấy đá. Các xe ben này chạy theo con đường bê tông về phía chỏm núi Thành Dền, sau đó vòng theo con đường đất mấp mô tiến ra bãi tập kết đá ở khu vực bờ sông.

Núi Cống Đá 2 vốn là mỏ đá được UBND TP Hải Phòng cấp phép cho Công ty cổ phần cung ứng vật tư Tiến Thành (trụ sở ở xã Liên Khê) khai thác nhưng đã hết phép từ năm 2013. Từ nhiều năm nay, khu vực mỏ đá này bị bỏ hoang, lòng núi bị đào khoét tan hoang, chỉ còn những gò đống lởm chởm đá.

Năm 2017, tại đây đã từng xuất hiện một nhóm người tổ chức nổ mìn khai thác đá trái phép, cả trăm khối đá đã bị vận chuyển đi tiêu thụ. Sau đó cơ quan chức năng vào cuộc, nhóm khai thác đá trái phép này mới dừng hoạt động.

Máy xúc xúc đá khai thác từ núi Cống Đá 2 đưa lên xe ben đi tiêu thụ. Ảnh: ĐỖ HOÀNG

Thu giữ phương tiện, xử lý nghiêm

Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, chiều 30-3, lực lượng chức năng của huyện Thủy Nguyên đã tiến hành kiểm tra đối với hoạt động khai thác đá tại núi Cống Đá 2. Cơ quan chức năng xác định núi đá này đã bị một nhóm sử dụng phương tiện, máy móc ngang nhiên khai thác trái phép.

Ông Lê Anh Thân, Trưởng phòng TN&MT huyện Thủy Nguyên, cho biết cơ quan chức năng đã thu giữ hai máy xúc có hành vi khai đào trái phép đá vôi tại núi Cống Đá 2. Bước đầu, cơ quan chức năng cũng đã xác định được hai người có liên quan trực tiếp tới hoạt động khai thác đá trái phép, hiện vẫn đang xác minh làm rõ những người liên quan, có vai trò chỉ đạo.

Theo ông Thân, qua đo đạc, kiểm tra thực tế tại hiện trường núi Cống Đá 2, cơ quan chức năng huyện Thủy Nguyên xác định nhóm khai thác trái phép đã khai đào được hơn 40 m3 đá vận chuyển ra bến sông gần đó để chở đi tiêu thụ.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, cho biết lực lượng chức năng của huyện vẫn đang tiến hành xác minh, điều tra mức độ vi phạm của nhóm khai thác trái phép tới đâu, huyện sẽ xử lý tới đó, quyết không để tình trạng khai thác trái phép tiếp tục tái diễn. “Lực lượng chức năng đang điều tra làm rõ cả những người đứng sau, tổ chức toàn bộ hoạt động khai thác trái phép này để xử lý nghiêm” - ông Hoàng nói.

Thu hồi các dự án khai thác khoáng sản đã cấp phép

Theo nghị quyết được HĐND TP Hải Phòng thông qua tháng 2-2020, núi Cống Đá 2 và hàng loạt mỏ khoáng sản tại huyện Thủy Nguyên nằm trong khu vực khoanh vùng quy hoạch di tích Bạch Đằng.

Phạm vi khoanh vùng quy hoạch di tích Bạch Đằng từ ngã ba sông Đá Bạc tới Bến Rừng, dài 21 km, tổng diện tích gần 4.000 ha, trải rộng trên địa bàn sáu xã và một thị trấn thuộc huyện Thủy Nguyên. Trong đó, khu vực bảo vệ I là các di tích đã và đang làm thủ tục xếp hạng di tích, các bãi cọc Bạch Đằng vừa được phát hiện. Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh, tiếp giáp có thể ảnh hưởng. Theo đề án, trước khi có quy hoạch trong khu vực khoanh vùng, TP Hải Phòng sẽ hạn chế phát triển công nghiệp, đô thị quy mô lớn, dừng xem xét cấp phép khai thác khoáng sản tại các vị trí mới. Rà soát, thu hồi các dự án khai thác khoáng sản đã cấp phép (có lộ trình). Tại đây chỉ ưu tiên phát triển du lịch, nông nghiệp gắn với bảo tồn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm