Khách hàng có thể báo sửa điện qua ứng dụng EVNHCMC CSKH

“EVNHCMC CSKH” là ứng dụng dành cho khách hàng sử dụng điện. Khách hàng sử dụng điện chỉ cần tải, cài đặt ứng dụng EVNHCMC CSKH trên thiết bị di động và liên kết địa chỉ dùng điện.

Nhiều tiện ích mới

Chị Nguyễn Kim Phụng (quận 9) cho biết gia đình chị vừa đăng ký cấp điện cho căn nhà mới, mọi giao dịch liên quan đến thủ tục giấy tờ chị đều thao tác trên ứng dụng EVNHCMC CSKH. Trong app có tính năng đính kèm tập tin cho các giấy tờ liên quan.

“Sau khi đăng ký xong thì có nhân viên điện lực gọi điện thoại hẹn ngày xuống khảo sát và đấu nối, rất thuận tiện. Tôi không còn phải mất thời gian đi lại nhiều lần như trước đây để bổ sung giấy tờ nữa” - chị Phụng kể.

Tương tự, anh Hoàng Văn Chương (chung cư Kikyo Flora, quận 9) cho biết: “Sau khi cài ứng dụng EVNHCMC CSKH, tôi thường xuyên theo dõi được chỉ số điện tiêu thụ hằng tháng. Từ đó có thể so sánh mức dùng điện của gia đình và chủ động điều chỉnh. Ứng dụng cũng cập nhật kịp thời các thông tin rất hữu ích như tình trạng thanh toán tiền điện, thông báo mất điện do sự cố… Trong mục giao dịch trực tuyến tôi thấy có đầy đủ các loại hình giao dịch của khách hàng với ngành điện như đăng ký gắn điện mặt trời trên mái nhà, báo sửa điện, thay đổi định mức, thay đổi công suất… Khách hàng bây giờ có thể giao dịch với ngành điện bất cứ chỗ nào, thời điểm nào”.

Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), cho biết hiện nay 19 loại hình dịch vụ điện đã được cập nhật trên ứng dụng EVNHCMC CSKH, cung cấp đầy đủ thông tin đến khách hàng như lắp đặt thiết bị đo đếm, di dời thiết bị đo đếm, sửa đổi hợp đồng mua bán điện... Các thông báo như trường hợp mất điện do sự cố; thông báo tiền điện phát sinh; thông báo tình trạng thanh toán tiền điện; gửi hóa đơn điện tử... các thông tin này sẽ được tự động cập nhật và hiển thị vào ứng dụng mà khách hàng đã cài đặt và đăng ký.

Bên cạnh đó, khách hàng có thể tra cứu các thông tin như lịch ghi điện, lịch thu tiền điện, thời hạn thanh toán tiền điện; điện năng tiêu thụ hằng tháng và tiền điện tương ứng; tiến độ xử lý các yêu cầu của khách hàng; biểu đồ phụ tải đối với khách hàng có điện kế đo xa; thông số vận hành đối với khách hàng có điện kế đo xa; các điểm thu tiền điện trên địa bàn TP.HCM.

Ứng dụng mới được nâng cấp với bảy chức năng chính so với phiên bản cũ là ba chức năng. Trong đó phải kể đến chức năng “báo sửa điện”, cho phép khách hàng gửi yêu cầu, hệ thống chuyển đồng thời về trung tâm chăm sóc khách hàng và công ty điện lực để nhân viên vận hành tại đơn vị liên hệ khách hàng cập nhật tình trạng và giải quyết ngay.

EVNHCMC vừa được nhận danh hiệu Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc. Có thể nói, ứng dụng EVNHCMC CSKH sẽ là kênh giao dịch chính của khách hàng với ngành điện bởi tính tiện dụng của nó. Cụ thể, ứng dụng dễ cài đặt, dễ sử dụng và đây cũng là công cụ hữu hiệu hỗ trợ tích cực nhằm theo dõi trực tuyến, sát sao từng yêu cầu khách hàng để giải quyết một cách nhanh nhất. Thời gian tới, EVNHCMC sẽ nghiên cứu hiệu chỉnh giao diện người sử dụng có tích hợp AI (trí tuệ nhân tạo) trong ứng dụng EVNHCMC CSKH để có thể thay đổi nội dung hiển thị phù hợp với thói quen, hành vi người dùng.

Khách hàng bây giờ có thể giao dịch với ngành điện bất cứ chỗ nào, thời điểm nào. Ảnh: ĐÀO TRANG

Grab điện

Ông Bùi Trung Kiên cho biết hiện EVNHCMC đang triển khai ứng dụng nội bộ Grab điện. Đây là ứng dụng dành cho nhân viên điện lực, hoạt động trên thiết bị di động (điện thoại di động, máy tính bảng) có kết nối Internet để có thể gửi và nhận thông tin với hệ thống CRM (Customer Relationship Management - Hệ thống quản lý quan hệ khách hàng) giữa trung tâm chăm sóc khách hàng và các công ty điện lực.

Ứng dụng này cho phép thu thập thông tin, vị trí liên quan đến công tác quản lý, sửa chữa điện phục vụ khách hàng. Đồng thời, nhân viên vận hành có thể cập nhật thông tin tức thời trên thiết bị di động sau khi hoàn tất sửa chữa điện ngay tại hiện trường. Từ đó giúp nâng cao công tác quản lý, điều hành hoạt động của tổng công ty và các công ty điện lực.

Trước đây, khi có sự cố khách hàng báo tới, công nhân sẽ phải chạy về đơn vị để nhận phiếu, sau đó mới đi đến nơi xảy ra sự cố để khắc phục, sửa chữa. điều này gây mất thời gian và để khách hàng phải chờ lâu. Với ứng dụng Grab điện, cho phép công nhân đang giữ thiết bị có thể tiếp nhận ngay yêu cầu của khách hàng được phân công, cho phép xác định vị trí địa điểm công tác một cách trực quan trên bản đồ Google, đồng thời xác định quãng đường đi thông thoáng và ngắn nhất.

Grab điện cũng cho phép các nhóm công nhân hiện trường sử dụng cập nhật thông tin công tác trực tiếp trên phiếu CRM, có chức năng ghi nhận thời gian sửa chữa điện từ lúc tiếp nhận phiếu và có thể hoàn tất phiếu sau khi đã hoàn tất công tác. Thông tin thao tác trên phiếu sẽ ngay lập tức được gửi về hệ thống CRM để điện thoại viên và trưởng ca vận hành ở các công ty điện lực có đầy đủ thông tin cung cấp cho khách hàng.

Ứng dụng này đã được phát hành trên cả kho ứng dụng CH Play và Apple Store, cho phép mở tài khoản riêng biệt để nhân viên sửa chữa điện đăng nhập vào ứng dụng, cho phép theo dõi được vị trí tức thời của nhân viên thông qua định vị GPS, cho phép tự động cập nhật phiên bản. Ngoài ra, khi nhân viên nhận nhiệm vụ thì ngay lập tức khách hàng liên quan sẽ nhận được thông tin qua ứng dụng EVNHCMC CSKH và có thể tra cứu được vị trí của nhân viên này ngay trên ứng dụng của khách hàng.

Thời gian tới, EVNHCMC cũng sẽ nâng cấp, cải tiến phần mềm “Grab điện” giống như mô hình gọi xe công nghệ cao Grab hay Uber… Khi khách hàng đặt yêu cầu về một dịch vụ liên quan đến xử lý sự cố điện qua ứng dụng EVNHCMC CSKH, khách hàng cũng sẽ biết được số điện thoại, hình ảnh, thậm chí biết được cả quãng đường đi tới điểm xử lý sự cố của công nhân ngành điện.

Đã có hơn 547.000 khách hàng sử dụng ứng dụng EVNHCMC CSKH

Hiện tại EVNHCMC đã triển khai hoàn tất 100% dịch vụ trực tuyến cấp độ 4 cho 19/19 loại hình dịch vụ, tỉ lệ giải quyết trực tuyến đạt 100%. Đã có 547.587 khách hàng đăng ký sử dụng ứng dụng EVNHCMC CSKH; 2.540.362 lượt khách hàng truy cập website CSKH để tra cứu thông tin, tăng 38,4% so với cùng kỳ năm 2019. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm