Kết nối người dân với metro: Dễ mà khó

“Đã nhiều lần đi ngang khu vực rào chắn metro số 1 ở quận 1, tôi thầm nghĩ sau này TP sẽ có một tuyến đường sắt hoàn toàn mới lạ, bản thân tôi cũng bị hấp dẫn. Tuy nhiên, kỳ thật tôi khó hình dung sẽ sử dụng metro như thế nào” - chị Vũ Thu Hiền (một người dân quận 3) chia sẻ về tuyến metro số 1 sắp đi vào hoạt động trong nay mai.
Chưa có hạ tầng kết nối metro
Chị Thu Hiền chia sẻ chị cũng biết tuyến metro sẽ đi từ quận 1 đến Suối Tiên (TP Thủ Đức) nhưng sẽ đi như thế nào. “Cứ cho rằng không có xe buýt gom hay trung chuyển thì tôi đi bằng xe máy đến ga Bến Thành hoặc ga Ba Son nhưng tới ga thì gửi xe ở đâu để đi metro”.
Cùng tâm trạng, chị Hòa Thanh (quận 1) cũng chia sẻ đi metro tất nhiên là phải ra nhà ga nhưng ra ga bằng cách nào. Từ nhà chị tới ga metro không quá xa, chỉ khoảng 2 km nhưng đi bộ thì hơi căng. “Nếu đi xe máy thì để xe ở đâu rồi lên ga metro. Lâu nay cứ thấy người ta làm metro thì tôi cũng háo hức nhưng lại không tưởng tượng được đi metro như thế nào” - chị nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuyến metro số 1 có 14 nhà ga, gồm ba nhà ga ngầm và 11 nhà ga trên cao. Theo quan sát của PV, các nhà ga trên cao cơ bản đã hình thành, các cầu thang lên xuống đều đã hoàn chỉnh. Tuy nhiên, ngoài các tuyến đường lớn, dọc theo tuyến metro như Điện Biên Phủ, xa lộ Hà Nội thì hầu như không có đường kết nối từ khu vực dân cư ra các ga và cũng chưa có dự án giao thông nào đang triển khai để kết nối hạ tầng giao thông với metro. 
Ngay cả các hộ dân rất gần metro số 1 cũng khá lúng túng khi nói về việc làm thế nào để đi metro.
Nhà nằm ngay mặt tiền xa lộ Hà Nội, con đường có tuyến metro chạy dọc theo nhưng bà Kim Nguyên cũng tỏ ra lúng túng. “Nhà tôi ở bên này xa lộ, còn metro ở bên kia xa lộ, tuy gần đấy nhưng hóa ra xa. Tưởng đâu nhà gần metro thì dễ dàng đi metro nhưng ngẫm lại thấy khó. Không lẽ mỗi lần sử dụng metro tôi phải đi bộ băng qua đường, nghĩ cũng thấy ớn, mà băng qua đường thì cũng không biết leo lên tàu bằng cách nào. Metro thì sắp làm xong, đã hiển hiện trước mắt đây nhưng đường vào metro còn xa quá” - bà Kim Nguyên chia sẻ. 
Hai dự án kết nối metro
Về những băn khoăn của người dân, Sở GTVT TP.HCM cho biết: Giao thông kết nối với metro là rất quan trọng. Chính vì vậy, Sở GTVT đã định hướng hai dự án nhằm hướng người dân tiếp cận thuận lợi với hai tuyến metro số 1 và 2. Dự án thứ nhất là tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga metro số 1, dự án thứ hai là giao thông đô thị bền vững cho tuyến metro số 2. 
Cụ thể, Sở GTVT cho biết theo kế hoạch dự án tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga metro số 1, trạm dừng xe buýt kết nối tại 11 ga trên cao của metro 1 và các trạm dừng, tuyến nhánh và các tuyến buýt gom sẽ được thực hiện.

Sơ đồ các nhà ga tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Đồ họa: HỒ TRANG

Nhà ga trên cao Thủ đức hầu như đã hoàn thiện nhưng chưa có đường kết nối vào khu dân cư. Ảnh:HOÀNG GIANG

Như vậy có tổng cộng 67 nhà chờ và 242 trụ dừng đón trả khách, một trạm trung chuyển, ba bến đầu cuối xe buýt và bốn bãi đậu xe cá nhân. Tổng mức đầu tư dự án gần 80 tỉ đồng.

Tháng 10-2020, Sở GTVT đã có văn bản gửi Sở KH&ĐT đề nghị thẩm định và trình HĐND thông qua chủ trương dự án.
Còn dự án giao thông đô thị bền vững cho tuyến metro số 2 do Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông (Ban giao thông) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư hơn 1.350 tỉ đồng. 
Phạm vi nghiên cứu 500-1.000 m xung quanh 10 nhà ga metro số 2. Dự án có ba hợp phần chính: Hợp phần 1 là cải tạo tiếp cận nhà ga - xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị phục vụ tiếp cận nhà ga; hợp phần 2 là xây dựng các dịch vụ giao thông công cộng tích hợp; hợp phần 3 là nghiên cứu chính sách và quy định. 
Hiện hai dự án nghiên cứu trên đã được UBND TP phê duyệt nhưng đang ở bước xin chủ trương, chưa được bố trí vốn nghiên cứu chính thức.
Cấp thiết đồng bộ metro với dự án giao thông
Sở GTVT cho biết: Ngoài nghiên cứu hai dự án kết nối trên, vấn đề tổ chức giao thông dọc metro số 1 đang được sở rà soát hiện trạng và xây dựng kế hoạch kết nối đồng bộ. 
Cụ thể, trong năm 2021, Sở GTVT sẽ tiếp tục hoàn thành các dự án cải tạo và xây dựng mới trạm dừng, nhà chờ xe buýt khu vực TP Thủ Đức. Đồng thời hoàn thành dự án xây dựng bãi trung chuyển xe buýt tại 152 Điện Biên Phủ, góp phần chuẩn bị kết nối các tuyến xe buýt vào khu vực ga Văn Thánh.
Trong lần kiểm tra thực tế ga Ba Son của metro số 1 mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các đơn vị liên quan nghiên cứu, tính toán quy hoạch hạ tầng, giao thông quanh khu vực các nhà ga metro. Điều này không chỉ thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng mà còn thu hút du khách tham quan các bảo tàng quanh khu vực nhà ga metro. 
Theo Sở GTVT, nhằm đảm bảo người dân trên địa bàn TP Thủ Đức, Bình Dương dọc xa lộ Hà Nội đều tiếp cận các nhà ga metro số 1, hệ thống xe buýt dọc xa lộ Hà Nội sẽ được thay đổi theo hướng từ “điểm nối điểm” sang “tuyến trục - tuyến nhánh”. Như vậy theo kế hoạch giai đoạn 2021-2022, TP.HCM dự kiến mở mới 20 tuyến xe buýt mini kết nối dọc tuyến metro số 1.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban giao thông TP.HCM, cho rằng: “Cần đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối, để khi tuyến metro vận hành thì công trình giao thông dọc tuyến cũng hoàn tất. Việc đồng bộ này còn giúp cho tuyến giao thông công cộng (GTCC) tăng lượng hành khách, người dân đến metro được dễ dàng. Bởi một TP hiện đại người dân sử dụng phương tiện công cộng khoảng 30%-50% nhưng hiện nay GTCC TP.HCM chỉ đạt 10%”.
Theo ông Phúc, về nguyên tắc là phải nối kết các tuyến GTCC lớn với dự án giao thông liên quan để tránh ùn tắc và kết nối giao thông tốt nhất cho người dân. Hiện nay trong nghiên cứu tại ngã ba mũi tàu (nối đường Trường Chinh - Cộng Hòa), dự kiến sẽ xây dựng một hầm kết nối nhà ga metro số 2. Quy hoạch trong tương lai sẽ có các trạm kết nối metro số 2 với đường bộ. 
TS Nguyễn Quốc Hiển, Giám đốc Ban chuẩn bị đầu tư (thuộc Ban quản lý đường sắt đô thị - MAUR), đánh giá: “Giao thông tiếp cận đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hệ thống GTCC nói chung và metro nói riêng. Việc tiếp cận này đảm bảo trong các điều kiện không gian và thời gian khác nhau”.
Theo TS Hiển, nếu giao thông tiếp cận không an toàn, không thuận lợi thì GTCC kém hấp dẫn và ít thân thiện với người dân. Do đó số lượng hành khách sử dụng GTCC sẽ ít đi, từ đó làm giảm hiệu quả của hệ thống này.
Ông Hiển cho biết mỗi dự án metro đều có một dự án tiếp cận. Ví dụ, tuyến metro số 1 trước đây MAUR có nghiên cứu thực hiện dự án SAPI, dưới sự hỗ trợ của JICA. Dự án hướng đến giải quyết việc trùng lắp giữa hướng tuyến metro với các tuyến xe buýt dọc trục xa lộ Hà Nội và mở thêm 13 tuyến xe buýt nhánh kết nối. 
Gần đây Trung tâm quản lý công cộng được giao nhiệm vụ đề xuất kết nối tăng cường xe buýt nhưng chưa được duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, đây chỉ là xe buýt, còn kết nối các phương tiện cá nhân, taxi, phương tiện công nghệ… thì vẫn chưa được nghiên cứu cụ thể.
“Còn nghiên cứu tiếp cận metro số 2 sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng cho việc cải thiện tiếp cận các bến của tuyến, thực hiện đường nối chuyển tiếp với xe buýt, các nhà ga tích hợp với tiện ích đỗ và đi phù hợp” - ông Hiển thông tin.•
 
Điều chỉnh giao thông công cộng cho phù hợp
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban giao thông TP.HCM, cho biết theo quy hoạch, TP.HCM sẽ có tám tuyến metro và sáu tuyến xe buýt nhanh (BRT), đấu nối với các tuyến trên là 150 tuyến xe buýt truyền thống. Tuy nhiên, dưới sự phát triển đô thị hóa vệ tinh, quy hoạch các tuyến xe buýt cần phải điều chỉnh lại sao cho phù hợp.
Riêng sáu tuyến BRT, hiện nay ban đang thực hiện bước duyệt thiết kế, dự kiến cuối năm nay sẽ khởi công một số gói thầu. Tuyến BRT số 1 đi dọc theo Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ điểm đầu vòng xoay An Lạc, cuối tuyến Rạch Chiếc kết nối metro số 1. Về lâu dài, tuyến BRT này sẽ kết nối với Bến xe Miền Tây mới và Bến xe Miền Đông mới nhằm phát triển giao thông công cộng cho TP Thủ Đức. 
Ông Phúc cho biết tuyến BRT phải đi trên mặt cắt ngang rộng nên cần sử dụng làn xe riêng hoặc tính đến phương án sử dụng hỗn hợp chứ không thể chèn vào tuyến đường quá hẹp. Tuyến BRT phù hợp kết nối ngoại vi hoặc xuyên tâm nên mặt cắt ngang phải rộng để không ùn tắc giao thông.

Sẽ có 11 cầu vượt bộ hành kết nối ga metro
MAUR cho hay đối với các nhà ga trên cao, đơn vị đều tính toán phương án kết nối giao thông cho thuận tiện. Trong đó để phục vụ người dân dọc tuyến xa lộ Hà Nội (TP Thủ Đức) và tuyến đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), MAUR sẽ xây dựng 11 cầu vượt bộ hành trên tuyến metro số 1.
Cụ thể, sẽ có 11 cầu vượt bộ hành trên xa lộ Hà Nội và một cầu vượt bộ hành trên đường Điện Biên Phủ. Theo thiết kế, các cầu vượt bộ hành có chiều dài bình quân khoảng 100 m/cầu, rộng 3 m và có mái che mưa nắng cho người dân thuận tiện đến các ga metro. 

MAUR đã yêu cầu liên danh nhà thầu Sumitomo (Nhật Bản) và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6 đẩy nhanh tiến độ thi công các cầu vượt bộ hành.  Theo MAUR, hai tuyến đường xa lộ Hà Nội và Điện Biên Phủ có lượng phương tiện lưu thông rất đông vì là trục giao thông chính của TP. Do vậy, việc xây dựng 11 cầu vượt bộ hành trên là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay. 
Về khu vực các ga ngầm ở trung tâm TP, ông Nguyễn Xuân Cường, Giám đốc MAUR, cho biết đối với ga Ba Son, một ga ngầm quan trọng của metro số 1, xung quanh sẽ có nhiều dự án thương mại được triển khai, xây dựng. Theo đó sẽ có năm lối 
lên xuống của ga Ba Son kết nối với các dự án xung quanh metro số 1. Nếu kết hợp với bảo tàng phía trên ga Ba Son thì tuyến metro số 1 sẽ thu hút được du khách tới tham quan và di chuyển dọc tuyến này.
Về lâu dài sẽ có tuyến đường ven sông kết nối với Sài Gòn Pearl nên ngay từ bây giờ cần tính toán để tuyến metro này có thể đồng bộ với đường ven sông. Do đó cũng nên xem xét thu hút nguồn xã hội hóa tham gia các dự án đường ven sông, kết nối với ga Ba Son.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm