Hàng ngàn hộ lây lất trong hành lang kênh, rạch

13 năm kể từ khi UBND TP.HCM ban hành Quyết định 150/2004 quy định về quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch; những người dân sống trong phạm vi hành lang này chịu khổ sở đủ bề…

Đi cũng dở, ở không xong

Hơn 700 hộ dân tại khu vực kênh Cây Khô, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè hơn chục năm nay phải sống trong hành lang bảo vệ kênh. Theo quy định tại Quyết định 150, đất đã “dính” vào hành lang này thì không được xây dựng, chuyển mục đích, tách thửa.

Bà Trương Thị Tú, 37/4 Đào Sư Tích, xã Phước Lộc, đã sống bên kênh Cây Khô hơn 40 năm. Từ 13 năm nay, khi hành lang kênh được xác định là 30 m, toàn bộ nhà đất của bà gần 600 m2 cũng nằm trọn trong hành lang này. Cũng từ đó đến nay, ngoài căn nhà 100 m2 mà cả gia đình 10 người sinh sống thì toàn bộ đất đai của bà bỏ hoang hoàn toàn.

“Gia đình nhiều khi nợ nần, bệnh tật, muốn bán đi một phần đất để xoay xở nhưng không thể bán được vì không được tách thửa. Mà có bán cũng không ai mua vì mua xong thì đâu có được xây dựng. Muốn bán hết cũng không xong, còn ở lại thì cứ phải chịu cảnh dở dang mãi” - bà Tú than thở.

Cám cảnh hơn là trường hợp của ông Phạm Văn Tân tại ấp 3. Mảnh đất 1.200 m2 của ông thì hơn một nửa nằm trong hành lang kênh Cây Khô, phần còn lại nằm trong quy hoạch đường giao thông dự phóng. Năm 2013, ông vay nặng lãi gần 200 triệu đồng để nộp thuế hợp thức hóa nhà đất vì nghĩ rằng sau đó ông sẽ được tách thửa, được xây dựng thì có thể bán bớt để trang trải nợ nần.

“Tuy nhiên, khi biết được quy định hiện hành không cho phép thì tôi đứng như trời trồng. Suốt mấy năm nay ngập trong nợ nần, lãi mẹ đẻ lãi con, vợ chồng tôi đã già lại lâm vào tình cảnh sống dở chết dở mà không biết phải xoay xở như thế nào. Phải chi được xây dựng thì cũng có thể tận dụng để xây dãy phòng trọ cũng còn kiếm được chút thu nhập để trả nợ và lo cho tuổi già” - ông Tân rầu rĩ nói.

Còn tại quận 2, ông Hà Văn Minh Vương, số 33 đường số 10, phường An Phú, có nhà đất nằm trong hành lang bảo vệ sông Sài Gòn 50 m. Gia đình ông đã sinh sống ở đây từ năm 1985, căn nhà của gia đình cũng đã xuống cấp nhưng chỉ được sửa chữa theo nguyên trạng. Riêng khuôn viên đất hơn 3.500 m2 của gia đình cũng bỏ trống nhiều năm nay, có đất cũng chỉ nhìn.

Đây cũng là tình trạng chung của những hộ dân sống trong hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch tại TP.HCM như Bình Thạnh, Thủ Đức.

Ông Trần Văn Châu có hơn 1.500 m2 đất ở trong hành lang kênh Cây Khô bỏ hoang từ chục năm nay. Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Vợ chồng ông Phạm Văn Tân tại ấp 3, xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè túng bấn vì nợ nần nhưng không thể bán đất hoặc xây nhà trọ để xoay xở. Ảnh: VIỆT HOA

Kiến nghị cấp phép xây dựng tạm

Theo UBND huyện Nhà Bè, trước đây huyện từng kiến nghị giảm bớt hành lang kênh Cây Khô, tuy nhiên kiến nghị này đã không được chấp thuận.

Còn theo UBND quận 2, ở địa phương này đa phần khu vực trong hành lang bảo vệ sông Sài Gòn hiện đã có các dự án đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, một số khu vực như phường Bình Trưng Tây, phường An Phú vẫn có một số hộ dân bị ảnh hưởng.

Trên địa bàn quận Bình Thạnh có hơn 11 km kênh, rạch tiêu thoát nước, tập trung hầu hết tại 17/20 phường. Theo Phòng Quản lý đô thị quận, số hộ dân bị ảnh hưởng bởi các rạch Xuyên Tâm, Văn Thánh, Bùi Hữu Nghĩa và bán đảo Thanh Đa khoảng 2.570 hộ. Trong đó khoảng 1.582 hộ giải tỏa toàn phần, gần 1.000 hộ giải tỏa một phần.

Phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh cũng cho biết năm 2013, để giải quyết bức xúc của người dân có nhà đất bị ảnh hưởng bởi hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch, quận Bình Thạnh cũng đã có công văn gửi Sở Xây dựng kiến nghị cho phép xây dựng tạm.

Theo đó, Bình Thạnh đề xuất cấp phép xây dựng tạm tối đa một tầng đối với trường hợp đã có nhà, không cấp phép với đất trống. Trường hợp đã có nhà hiện hữu thì cho phép xây dựng theo nguyên trạng tính từ 5 m đến dưới 10 m với hành lang bảo vệ là 10 m; từ 10 m đến dưới 20 m với hành lang 20 m; từ 10 m đến dưới 30 m với hành lang 30 m; từ 20 m đến 50 m với hành lang 50 m.

Hôm nay sẽ phản biện dự thảo thay thế Quyết định 150

Trong năm 2013, TP.HCM đã kiểm tra, đánh giá lại Quyết định 150 tại tất cả địa phương có các tuyến sông, kênh, rạch. Đến năm 2016, Sở GTVT đã soạn dự thảo thay thế Quyết định 150.

Ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết dự thảo này đã được Sở lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương có liên quan. Tuy nhiên, hiện tại chưa thể cung cấp thông tin.

“Trong hôm nay (17-2), MTTQVN TP.HCM sẽ tổ chức phản biện dự thảo này, trên cơ sở đó Sở sẽ trình TP xem xét và sẽ công khai thông tin rộng rãi” - ông Minh nói.

Được biết trong dự thảo trước đó, Sở GTVT cũng đã tiếp thu ý kiến của nhiều địa phương theo hướng xem xét cụ thể hơn đến quyền lợi chính đáng về nhà, đất của người dân trong hành lang bảo vệ sông, kênh, rạch.

Ngay sau khi MTTQVN TP.HCM phản biện, Pháp Luật TP.HCMsẽ tiếp tục thông tin cụ thể về vấn đề này.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

(PLO)- Giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại tour, trong khi không ít người dân quyết định không đi du lịch hoặc thay đổi hình thức di chuyển.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

(PLO)- Nhằm áp dụng rộng rãi cho các dự án trọng điểm đang được thực hiện tại TP.HCM, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến hướng dẫn việc thực hiện một số công việc trong quá trình chuẩn bị dự án, GPMB tương tự cơ chế như đã thực hiện với dự án đường vành đai 3.