Hàng ngàn hộ dân Bình Chánh thoát ‘treo’

Hai đại dự án ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh “treo” gần 20 năm nay đã được UBND TP.HCM chấp thuận xóa bỏ, điều chỉnh ranh quy hoạch để trả lại quyền lợi cho hàng ngàn người dân bị ảnh hưởng. Đó là dự án khu dân cư Him Lam và khu chức năng 11B trong khu đô thị Nam TP với tổng quy mô lên đến gần 70 ha.

Kết thúc chuỗi ngày thấp thỏm

“Tôi chỉ ao ước được nhìn thấy bà con đi lại dễ dàng trên con hẻm sạch sẽ, khang trang trước khi nhắm mắt”. Đó là mong ước giản dị của ông Lê Minh An, ở C7B/79 Phạm Hùng, ấp 4A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh khi biết tin quy hoạch dự án khu dân cư Him Lam sẽ được xóa bỏ sau thời gian “treo” gần 15 năm.

Ông An kể năm 1997, ông về xã Bình Hưng mua đất. Bảy năm sau thì toàn bộ nhà, đất của ông nằm trong quy hoạch dự án khu dân cư do Công ty TNHH Him Lam làm chủ đầu tư. Từ đó đến nay mọi quyền lợi về nhà, đất của ông cũng như người dân trong ranh dự án đều bị “đóng băng”.

Chỉ ra con hẻm C7B trước nhà, ông An cho biết từ lúc rơi vào quy hoạch, con hẻm khoảng 700 m này cũng như hàng trăm con hẻm khác trong khu vực bị xuống cấp. Khoảng 10 năm trước, tất cả hộ dân xung quanh đã bỏ tiền ra tự đổ bê tông để đi lại dễ dàng hơn. Từ đó đến nay con hẻm này tiếp tục xuống cấp nhưng do nằm trong quy hoạch nên không được đầu tư sửa chữa. Mỗi khi hư hỏng thì người dân lại bỏ tiền túi ra để dặm vá lại.

“Khi trời mưa hoặc triều cường, nước ngập lên đến đầu gối, bà con đi lại khổ sở quá trời quá đất. Nay nghe tin xóa bỏ quy hoạch, nhà nước và nhân dân sẽ cùng bỏ tiền ra theo tỉ lệ 70-30 để đầu tư nâng cấp toàn bộ các hẻm trong khu dân cư, người dân chúng tôi vô cùng phấn khởi” - ông An nói.

Sau 16 năm, những căn nhà xập xệ trong khu chức năng 11B, thuộc khu đô thị Nam TP tới đây sẽ hồi sinh. Ảnh: VIỆT HOA

Cất lại căn gác cho vợ, con

Cũng ngụ trong con hẻm này, gia đình bà Nguyễn Thị Bé cũng vui mừng khi hay tin nhà bà đã thoát khỏi quy hoạch. “Bà con chúng tôi chịu khổ sở nhiều năm nay rồi. Xóa quy hoạch, bà con được xây dựng, sửa sang lại nhà cửa, được hợp thức hóa nhà đất để yên tâm sinh sống. Kết thúc bao nhiêu năm sống thấp thỏm trong quy hoạch” - bà Bé cho biết.

Cùng chung niềm vui thoát khỏi dự án “treo”, gần 800 hộ dân trong dự án khu nhà ở của Tổng Công ty Xây dựng số 1 (thuộc khu chức năng 11B, khu đô thị Nam TP) cũng rất phấn khởi vì sắp được trả lại quyền lợi về nhà, đất sau 16 năm nằm trong quy hoạch.

Con hẻm B7/19 nhỏ xíu đầy ổ gà, chạy ngoằn ngoèo trong hàng trăm căn nhà xập xệ, tạm bợ và ẩm thấp. Căn nhà 40 m2 của ông Trương Văn Phú, B7/19BC Nguyễn Văn Linh, ấp 3, xã Bình Hưng cũng ọp ẹp không kém. Suốt 12 năm nay gia đình ông sinh sống trong căn nhà này mà không thể xây dựng hay cơi nới. “Điều đầu tiên tôi làm là cất lại căn nhà có gác cho vợ và các con tôi có một nơi ở thoải mái, sạch sẽ” - ông Phú bày tỏ.

Theo lãnh đạo huyện Bình Chánh, hai dự án nói trên đã ảnh hưởng đến khoảng 6.000 hộ dân.

Bắt tay chỉnh trang khu vực

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cũng vui mừng không kém. Từng là bí thư xã Bình Hưng, những bức xúc của người dân ông hiểu hơn ai hết.

Ông Hồng chia sẻ việc TP chấp thuận cho chỉnh trang hai khu vực này sẽ giải tỏa được bức xúc của người dân trong nhiều năm qua. Các quyền lợi chính đáng về nhà, đất của người dân như hợp thức hóa, chuyển mục đích, xây dựng nhà ở… sẽ được khôi phục. Hạ tầng kỹ thuật (đường, hẻm, điện, nước…) và hạ tầng xã hội (trường học, nhà trẻ, công viên, cây xanh…) cũng sẽ được đầu tư xây dựng và nâng cấp để cải thiện chất lượng sống của người dân trong khu vực.

“Người dân yên tâm ổn định cuộc sống, việc quản lý của địa phương cũng nhẹ nhàng hơn. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng thu được thuế khi người dân hợp thức hóa nhà, đất” - ông Hồng nói.

Về kế hoạch chỉnh trang hai khu vực trên, ông Hồng cho hay hiện nay huyện Bình Chánh đang phối hợp với Ban Quản lý khu Nam TP và các sở, ngành tiến hành cắm ranh mốc khu vực chỉnh trang. Theo đó, phần nào chủ đầu tư đã đầu tư xây dựng thì vẫn giữ nguyên, phần nào chủ đầu tư chưa bồi thường thì cắt ra khỏi ranh dự án. huyện cũng đang thuê đơn vị tư vấn lập quy chế chỉnh trang đô thị tại hai dự án này. Dự kiến trong quý II-2017 sẽ hoàn thành các công tác này và phấn đấu đến hết năm 2017 sẽ hoàn thành việc chỉnh trang.

Theo ông Hồng, sau khi hoàn thành việc cắm ranh mốc và quy chế quản lý chỉnh trang đô thị, huyện sẽ tiến hành đầu tư, nâng cấp, mở rộng toàn bộ hẻm trong hai khu vực nói trên theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong đó Nhà nước sẽ hỗ trợ 70% kinh phí, phần còn lại do người dân đóng góp.

Ông Hồng cũng cho biết chủ đầu tư các dự án này cũng sẽ đóng góp một phần kinh phí trong việc nâng cấp, mở rộng hẻm và đầu tư cơ sở hạ tầng. “Đây cũng là trách nhiệm của chủ đầu tư vì đã không triển khai dự án, gây bức xúc cho dân trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, dù thế nào thì Nhà nước vẫn tìm kinh phí để lo cho dân. Cái được lớn nhất là người dân rất đồng tình và ủng hộ” - Phó Chủ tịch huyện Bình Chánh nói.

Ngoài hai dự án trên, huyện Bình Chánh cho biết tại xã Bình Hưng còn một số dự án “treo” nhiều năm và không còn khả năng thực hiện như dự án khu dân cư Thăng Long (37 ha), khu chức năng 11A (59 ha). Huyện Bình Chánh và Ban Quản lý khu Nam TP cũng đã kiến nghị TP cho phép điều chỉnh quy hoạch và tiến hành chỉnh trang để đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân và chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây.

Việc điều chỉnh quy hoạch hai dự án này sẽ giảm bức xúc của người dân trong nhiều năm qua do quyết định thu hồi đất đã ban hành quá lâu mà nhà đầu tư không thực hiện. Ở góc độ quản lý địa phương, sẽ tạo thuận lợi cho công tác quản lý đất đai, ổn định được dân cư và giải quyết được vấn đề xây dựng không phép trên địa bàn.

Ông NGUYỄN VĂN HỒNG,
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm