Hàng loạt dự án điện nằm chờ vì vướng Luật Quy hoạch

Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) mới đây đã có báo cáo về một số vướng mắc khi triển khai Luật Quy hoạch liên quan đến lĩnh vực điện lực.

Nhiều quy hoạch chưa được phê duyệt 

Theo đó, trong hơn một năm qua, Bộ Công Thương đã tiếp nhận đề xuất của cả trăm nhà đầu tư với tổng cộng khoảng 340 dự án điện mặt trời, điện gió với tổng công suất dự kiến khoảng 28.000 MW. Trong đó, điện mặt trời khoảng 26.000 MW và số còn lại là điện gió.

Tuy nhiên, tính đến hết năm 2018, số dự án được điện gió và điện mặt trời được phê duyệt để bổ sung quy hoạch mới chỉ khoảng 7.500 MW. Như vậy, vẫn còn trên 20.000 MW điện gió, điện mặt trời đang chờ. Trong số này, có không ít các dự án với công suất lên đến hàng trăm MW. Điển hình cụm nhà máy điện gió Hoa kỳ - Bạc Liêu 608 MW được UBND tỉnh Bạc Liêu có văn bản đề nghị Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch vào cuối năm 2018.

Cùng thời gian này, Bạc Liêu cũng đề nghị bổ sung quy hoạch điện gió Hoà Bình (với ba nhà máy), có tổng công suất 246,4 MW. Tháng 12-2018, dự án điện gió Sóc Trăng số 11 có công suất 100,8 MW cũng được UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Bộ Công Thương bổ sung...

Trong hơn một năm qua, Bộ Công Thương đã tiếp nhận đề xuất của cả trăm nhà đầu tư với tổng cộng khoảng 340 dự án điện mặt trời, điện gió với tổng công suất dự kiến khoảng 28.000 MW. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG

Một lãnh đạo Bộ Công Thương chia sẻ, phần lớn các dự án điện chưa được triển khai vì Luật Quy hoạch. Luật Quy hoạch mới có hiệu lực từ tháng 1- 2019, trong khi nghị định hướng dẫn vẫn chưa được ban hành. Tinh thần của Luật Quy hoạch khác rất nhiều so với công tác quy hoạch trước đây vẫn làm. Ví như ngành điện có quy hoạch năng lượng nói chung, có quy hoạch điện lực quốc gia, quy hoạch điện lực tỉnh, vùng như 7 vùng kinh tế; ngoài ra có quy hoạch cho từng dạng như điện gió, điện mặt trời.

Nhưng theo Luật Quy hoạch mới thì ngành điện chỉ còn hai quy hoạch. Một là, quy hoạch điện quốc gia. Hai là, phần điện lực được tích hợp trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tức quy hoạch tỉnh. Hai loại quy hoạch này đều do Thủ tướng phê duyệt.

Bên cạnh đó, theo luật Điện lực, để triển khai các dự án điện phải theo quy hoạch. Vì vậy, để triển khai tiếp công tác quy hoạch, phát triển các dự án điện hiện nay thì phải chờ hướng dẫn Luật Quy hoạch.

Do đó, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ sớm ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể quy định phạm vi lưới điện trong quy hoạch điện lực quốc gia và phạm vi lưới điện trong quy hoạch tỉnh.

Trước khi quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch tỉnh giai đoạn mới được phê duyệt, Bộ này đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Công Thương thực hiện bổ sung quy hoạch như quy định trước đây.

Cụ thể, Bộ Công Thương tiếp tục thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các dự án nguồn điện có công suất trên 50 MW, các dự án lưới điện có cấp điện áp từ 220 kV trở lên. Bộ Công Thương thẩm định và phê duyệt bổ sung quy hoạch các dự án nguồn điện dưới 50 MW, các dự án lưới điện cấp điện áp 110 kV.

Xin ý kiến Quốc hội tháo gỡ khó khăn

Không chỉ lĩnh vực điện lực, theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, thời gian qua, cơ quan này nhận được nhiều ý kiến của các bộ ngành như Bộ TN&MT, GTVT, Công Thương phản ánh khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Quy hoạch. Theo đó, hiện có 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh chưa thể triển khai do chưa có hướng dẫn; Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020 của năm tỉnh, TP (gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Cà Mau, Hải Dương) cũng không thể ban hành.

Văn phòng Chính phủ cho biết, nguyên nhân của vấn đề trên là do việc sửa đổi, bổ sung 52 Luật, Pháp lệnh có quy định liên quan đến quy hoạch nên pháp luật chuyên ngành liên quan đến các quy hoạch đã hết hiệu lực từ đầu năm 2019. Vì vậy, các quy hoạch này không thể trình phê duyệt theo quy định của luật chuyên ngành mà phải theo Luật Quy hoạch (đang chờ Nghị định hướng dẫn).

Mới đây, ngày 17-4, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi các bộ ngành, địa phương thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về triển khai Luật Quy hoạch. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT khẩn trương hoàn thiện Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch theo hướng bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.

Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan tổng hợp các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, ảnh hưởng tới việc xây dựng, thực hiện quy hoạch. Đồng thời Bộ KH&ĐT đề xuất các giải pháp tổng thể, phù hợp trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội, UBTV Quốc hội.

Trong lúc chờ Nghị định hướng dẫn, các bộ trưởng, lãnh đạo các tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện các công việc liên quan, nhất là vấn đề năng lượng, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo Văn phòng Chính phủ, qua thực tế phát sinh một số vướng mắc, khó khăn trong thực hiện Luật Quy hoạch. Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật chưa được ban hành nên chưa có cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch mới cho giai đoạn 2021-2030. Việc Luật quy hoạch có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 và các Luật quy hoạch chuyên ngành hết hiệu lực từ thời điểm này đã gây khó khăn cho nhiều dự án. Nhiều quy hoạch đã được lập nhưng không thế điều chỉnh bổ sung và phê duyệt đã gây ách tắc ảnh hưởng đến đầu tư phát triển.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, cơ quan soạn thảo Nghị định hướng dẫn Luật Quy hoạch, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên, Bộ này đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo về việc báo cáo Quốc hội, UBTV Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng để xử lý tổng thể việc chuyển tiếp các quy hoạch, bao gồm: Gia hạn thời hạn hiệu lực của pháp luật chuyên ngành có liên quan để thực hiện việc điều chỉnh các quy hoạch cho tới khi quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 được phê duyệt; cho phép triển khai tổ chức lập đồng thời quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm