Hải Phòng: Lý do xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu bị vướng

Sau khi thí điểm xây dựng tám xã nông thôn mới kiểu mẫu với 38 công trình, năm 2021, Hải Phòng tiếp tục đầu tư các công trình còn lại, đồng thời xây dựng thêm 14 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) vì không có cơ chế bồi thường đất.

Dân hiến đất để làm đường kiểu mẫu

Đường trục xã Đồng Thái (huyện An Dương) trải nhựa phẳng lỳ, kẻ vạch sơn, hai bên vỉa hè lát gạch có hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh không khác một tuyến phố. Con đường trục xã này cùng với tuyến đường trục thôn và tuyến đường trục xóm được đầu tư thí điểm hoàn thành cuối năm 2020 đã tạo nên vóc dáng đô thị cho xã vùng ven Đồng Thái.

Ông Nguyễn Văn Thùy, Chủ tịch UBND xã Đồng Thái, cho biết toàn bộ mặt bằng 5000 m² đất mở rộng nâng cấp đường đều do người dân tự nguyên hiến đất, trong đó có 2500 m² đất ở của 184 hộ dân.

“Hộ nào ít cũng hơn chục m², hộ nhiều 70-80 m² đất ở, giá đất thì cao, tính ra nhiều hộ hiến tới vài trăm triệu đồng. Vận động rất khó, tiến độ xây dựng bị chậm vì vướng mặt bằng” - ông Thùy nói.

Theo Ban điều phối chương trình nông thôn mới Sở NN&PTNT TP Hải Phòng, năm 2020, Hải Phòng dự định đầu tư xây dựng tám xã nông thôn mới kiểu mẫu với tổng cộng 244 công trình, trong đó, 240 công trình đường giao thông. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên mới thí điểm đầu tư xây dựng 38 công trình tại tám xã (37 công trình đường giao thông).

nong-thon-moi1-210425_QSIC.jpg

Các tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu đã tạo nên vóc dáng đô thị cho xã Đồng Thái, huyện An Dương. Ảnh: ĐỖ HOÀNG

Chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu không có cơ chế bồi thường về đất, chỉ có hỗ trợ kiến trúc, nên toàn bộ diện tích mở rộng nâng cấp đường giao thông phải vận động người dân hiến đất. Theo thống kê, để triển khai được 38 công trình thí điểm đợt đầu, đã có hơn 900 hộ dân hiến hơn 32.500 m² đất để làm đường.

Tuy nhiên, việc thu hồi đất theo hình thức vận động người dân hiến đất gặp khó khăn nên tiến độ xây dựng ở nhiều xã bị chậm vì vướng mặt bằng. Một số xã phải đến tận cuối năm 2020 mới hoàn thành các tuyến đường thí điểm. Thậm chí, tại xã Tân Liên (huyện Vĩnh Bảo) công trình đường trục xã bị tắc mặt bằng phải mãi tới tháng 3-2021 mới GPMB xong để thi công. 

Tiếp tục vướng về mặt bằng

Theo Sở NN&PTNT TP Hải Phòng, năm 2021, Hải Phòng tiếp tục đầu tư hơn 800 tỉ đồng xây dựng 206 công trình còn lại tại tám xã nông thôn mới kiểu mẫu thí điểm ban đầu. Đồng thời, dự kiến xây dựng thêm 14 xã nông thôn mới kiểu mẫu với kinh phí khoảng hơn 2000 tỉ đồng, trong đó, đứng đầu là Thủy Nguyên thêm năm xã, An Dương thêm ba xã, các huyện còn lại mỗi huyện thêm 1-2 xã.

Như vậy, năm 2021, Hải Phòng sẽ triển khai xây dựng 22 xã nông thôn mới kiểu mẫu tại bảy huyện. Với diện tích cần thu hồi trung bình mỗi xã khoảng từ 1,4 đến 1,8 ha, tổng diện tích phải thu hồi để xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vào khoảng 37 ha theo hình thức vận động người dân hiến đất.

Theo ông Nguyễn Văn Thùy, việc triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu khó khăn lớn nhất vẫn là công tác GPMB. Tại xã Đồng Thái, năm 2021 được đầu tư hơn 100 tỉ để xây dựng 14 tuyến đường còn lại với diện tích thu hồi khoảng 1 ha của 500 hộ dân.

Tuy nhiên, giá đất ở tại Đồng Thái từ năm ngoái tới nay tăng chóng mặt, các đường thôn, xóm trước giá chỉ 5-6 triệu đồng/m² nay tăng lên gấp đôi, tại các tuyến đường chính giá có nơi giá đất tới 25 triệu. “Giá đất của Đồng Thái vốn đã cao hơn so với nhiều nơi nay càng tăng cao nên công tác GPMB đã khó lại càng khó” – ông Thùy nói.

Tại huyện Thủy Nguyên, năm 2021, ngoài 2 xã Gia Minh, Gia Đức được đầu tư các công trình còn lại, huyện này còn tiếp tục được đầu tư thêm năm xã mới. Trong khi đó, Thủy Nguyên đang chuẩn bị cho việc nâng cấp lên TP trực thuộc TP, hàng loạt dự án được đầu tư, giá đất ở hầu hết các nơi đều tăng vùn vụt. Ngay xã vùng sâu như Liên Khê, giá đất cũng tăng lên gấp hai lần, ở nhiều xã giá đất lên tới 20-30 triệu đồng/m².

“Giá đất tăng cao, việc GPMB theo hình thức vận động hiến đất càng khó khăn thêm” – một lãnh đạo huyện Thủy Nguyên đánh giá. Tương tự, tại hầu hết các huyện ngoại thành, tình trạng giá đất tăng cao khiến cho công tác GPMB bằng trở nên hết sức nan giải.

Để triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu hiệu quả, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các huyện tập trung cao công tác tuyên truyền vận động người dân hiến đất để GPMB mở rộng đường, hoàn thành các công trình còn lại của tám xã đã triển khai thí điểm năm 2020 trước 30-9.

Theo nghị quyết số 56 ngày 9-12-2019 của HĐND TP Hải Phòng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ 16, đến năm 2025, toàn TP sẽ có 100% số xã cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

Giá vé máy bay tăng cao, du lịch gặp khó

(PLO)- Giá vé máy bay tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại tour, trong khi không ít người dân quyết định không đi du lịch hoặc thay đổi hình thức di chuyển.

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

Kon Tum liên tục xảy ra động đất

(PLO)- Từ ngày 16-3 đến nay, chỉ trong ba ngày, khu vực huyện Kon Plong đã xảy ra 12 trận động đất với độ lớn từ 2.6 đến 3.9 độ richter.

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

TP.HCM muốn giải phóng mặt bằng một số dự án khác nhanh như vành đai 3

(PLO)- Nhằm áp dụng rộng rãi cho các dự án trọng điểm đang được thực hiện tại TP.HCM, UBND TP đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến hướng dẫn việc thực hiện một số công việc trong quá trình chuẩn bị dự án, GPMB tương tự cơ chế như đã thực hiện với dự án đường vành đai 3.