Hai bộ ra kế hoạch thanh tra diện rộng về đất đai, xây dựng

Theo kế hoạch thanh tra 2022 mà Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị vừa ký, phần thanh tra chuyên ngành sẽ tập trung vào công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại một số dự án do các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư và công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng tại các tỉnh, thành phố.

Sẽ thanh tra về quỹ đất nhà ở xã hội

Cụ thể, Bộ Xây dựng sẽ thanh tra công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng tại Ban quản lý dự án Thăng Long Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Công ty cảng hàng không Việt Nam – CTCP.

Còn thanh tra công tác quản lý nhà nước ngành xây dựng trong các lĩnh vực quy hoạch xây dựng, thực hiện theo quy hoạch, hoạt động đầu tư xây dựng, hoạt động kinh doanh bất động sản sẽ tiến hành với UBND 3 tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Hậu Giang.

Một dự án ôm đất nhiều năm tại phường Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nay bị biến thành cánh đồng trồng rau của cư dân sống quanh đó.

Đặc biệt, Bộ cũng sẽ thanh tra 2 chuyên đề diện rộng đối với 11 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An.

Chuyên đề thứ nhất là về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn. Đối tượng thanh tra là chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chuyên đề thứ hai là về việc dành quỹ đất để đầu tư, phát triển nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị. Đối tượng thanh tra là UBND tỉnh, chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Dự án ôm đất bị đưa vào tầm ngắm

Còn về kế hoạch thanh tra năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ sẽ tập trung thanh tra diện rộng, thanh tra chuyên đề kết hợp nhiều lĩnh vực về đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước và khí tượng thủy văn đối với một số hồ thủy lợi lớn...

Trong lĩnh vực đất đai, Bộ sẽ thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường và đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, có sai phạm trong quản lý sử dụng đất.

Về lĩnh vực môi trường, Bộ sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại ở các cơ sở nhiệt điện, xi măng, sản xuất gang, thép; trách nhiệm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý, xử lý chất thải rắn trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn; các cơ sở có nguồn khí thải lớn.

Ở lĩnh vực khoáng sản, Bộ TN&MT sẽ thanh tra tình hình cấp phép đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường có thu hồi khoáng sản đi kèm là đá vôi công nghiệp, nguyên liệu xi măng, đá ốp lát trong quá trình khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; thanh tra công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, đóng cửa mỏ khoáng sản.

Bộ cũng sẽ thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với các đơn vị khai thác, sử dụng nước đa mục tiêu, có quy mô lớn.

Ông Lê Vũ Tuấn Anh, Chánh Thanh tra Bộ TN&MT cho biết, trong gần 2 năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra tài nguyên môi trường gặp rất nhiều khó khăn. Một số kế hoạch phải dừng lại do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ngược trở lại các năm trước, giai đoạn 2015 – 2020, các đơn vị trực thuộc Bộ đã triển khai 729 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với hơn 6.000 tổ chức; 490 cuộc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra. Kết quả đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.269 tổ chức với hơn 204 tỷ đồng, kiến nghị truy thu nộp ngân sách nhà nước 912 triệu đồng, buộc bồi thường cho người dân các tỉnh bị ảnh hưởng là hơn 11.000 tỷ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm